Món quà từ sinh vật hiền lành
Lộc giác giao được chế từ gạc hươu nai; tên khoa học: Colla Cornu Cervi, họ: Cervidae. Gạc hươu nai là nhung để già, cứng lên thành gạc hay sừng. Hàng năm vào cuối hạ, hươu nai cọ đầu vào cây cho sừng rụng. Trong gạc hươu nai, huyết đã khô kiệt, có khi còn da bọc, có khi hết cả da, chỉ còn trơ gạc sáng bóng, màu vàng hay hơi đỏ hoặc trắng ngà. Phần dưới to có nhiều u nhỏ tròn nổi lên, phần trên nhẵn và nhọn.
Người ta thường căn cứ vào số nhánh và kích thước, màu sắc để phân biệt gạc hươu với gạc nai: gạc hươu có 3 hoặc 4 nhánh, dài 30 - 50cm, đường kính chừng 3cm, chất mịn và rắn, cứng chắc u tròn cách nhau, màu gạc đỏ nâu. Gạc nai cũng 3cm, chất mịn và rắn, cứng chắc u tròn cách nhau, màu gạc đỏ nâu. Gạc nai cũng giống gạc hươu nhưng thường to và dài hơn: đường kính chừng 3 - 6cm, dài 50 - 60cm chia 3 - 6 nhánh, màu tro nâu hoặc tro vàng, u không rõ, thường chạy dài. Cả 2 loại, khi bẻ, vết bẻ màu trắng, giữa có màu tro, tủy hẹp. Nếu tủy rộng là gạc nhẹ, xấu.
Trước đây, gạc được lấy do săn bắn hoặc lượm ở trong rừng do đến mùa nó tự rụng. Hiện nay ở một số vùng nuôi hươu nai khai thác những gạc già để nấu cao. Gạc lấy ở những con hươu nai còn sống được coi là tốt hơn: nó còn liền với xương đầu, thường gọi là gạc bao bì liên tảng (còn cả da và xương đầu) hay không còn da đầu nhưng gạc dính cả xương đầu gọi là gạc liên tảng.
Trong gạc hươu nai có khoảng 25% chất keo (keratin) 50 - 60% canxi phosphat, canxi cacbonat, một ít chất đạm và ít nước.
Sản phẩm lộc giác giao (cao ban long) là cao của sứng hươu nai, có màu nâu sẫm.
Gạc hươi nai cho ta nguồn thuốc quý
Công dụng và liều dùng
Theo Đông y, lộc giác giao hay cao ban long có vị ngọt, mặn, tính ấm, vào hai kinh can và thận, không độc, có tác dụng bổ trung, ích khí, cường tinh, hoạt huyết, cầm máu, mạnh gân xương. Vị thuốc này được dùng để bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.
Theo Hải Thượng Lãn Ông: “Cao hươu nai, có tên gọi là bạch giao, bổ trung ích khí, uống lâu nhẹ mình, tăng tuổi thọ, thêm tủy, nhiều thịt, tươi mặt, mập khỏe, chủ yếu dùng trị nội thương nhọc mệt, eo lưng đau, gầy còm, phụ nữ huyết bế, không có con, yên thai khỏi đau, thổ huyết, băng huyết, chân tay đau nhức, ra nhiều mồ hôi, ngã gãy tổn thương. Phàm chứng thũng độc đã vỡ hoặc chưa vỡ, lấy một miếng bạch giao thấm nước dán vào, trên đầu để lỗ hổng thì mủ ra ngay, không có mủ thịt mụn tiêu. Thực sự là vị thuốc rất quý” (Dược phẩm vậng yếu).
Liều dùng hằng ngày: 5 - 10g, ăn với cháo nóng, hấp cách thủy với mật ong hoặc cho vào ít rượu, hâm nóng mà uống.
Bài thuốc có dùng lộc giác giao
Bài Nhị long ẩm của Hải Thượng Lãn Ông dùng trị lo nghĩ tổn thương tỳ, không ngủ được, đổ mồ hôi trộm, xế chiều lên cơn sốt, buồn phiền khát nước, đại tiện táo kết, miệng lở, sắc mặt úa vàng, da khô dộp vẩy; phụ nữ kinh khô, thiếu máu, ăn uống kém: Lộc giác giao 40g, long nhãn 40g; long nhãn sắc lấy nước rồi cho lộc giác giao vào khuấy đều cho tan, uống lúc ấm.
Bài: Nhục thung dung 200g, thục địa 100g, huỳnh tinh 100g, kỷ tử 50g, sinh địa 50g, dâm dương hoắc 50g, hắc táo nhân 40g, quy đầu 50g, xuyên khung 30g, cam cúc hoa 30g, cốt toái bổ 40g, xuyên ngưu tất 40g, xuyên tục đoạn 40g, nhân sâm 40g, hoàng kỳ 50g, phòng đảng sâm 50g, đỗ trọng 50g, đơn sâm 40g, lộc giác giao 40g, lộc nhung 20g, trần bì 20g, đại táo 30 quả.
Bài thuốc này bổ thận, sinh tinh, tăng cường sức khỏe; còn chữa bệnh rối loạn dương cương, liệt dương, yếu sinh lý rất hay. Trong đó: thục địa, nhục thung dung, huỳnh tinh, kỷ tử: bổ thận sinh tinh; lộc nhung, lộc giác giao: bổ tinh huyết; nhân sâm, đảng sâm, hoàng kỳ, đan sâm: bổ khí, tăng cường sức khỏe; đương quy, xuyên khung: dưỡng huyết; sinh địa, táo nhân: dưỡng huyết, an thần. Các vị thuốc khác có tác dụng hỗ trợ bổ thận cường dương, sinh tinh huyết. Thuốc này dùng để ngâm rượu uống. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải được hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.