Lộc biển

10-03-2017 07:15 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong những ngày đầu năm, ngư dân các vùng ven biển miền Trung đang rất phấn khởi khi liên tục trúng đậm những mẻ lộc biển như tôm nhí còn gọi là tôm hùm con, ruốc, cá...

Trong những ngày đầu năm, ngư dân các vùng ven biển miền Trung đang rất phấn khởi khi liên tục trúng đậm những mẻ lộc biển như tôm nhí còn gọi là tôm hùm con, ruốc, cá... Lộc biển trong những ngày đầu năm mang lại nguồn thu lớn cho ngư dân ven biển. Khởi đầu năm mới may mắn, ngư dân thêm niềm tin mùa vụ bội thu trong năm 2017.

Ngay từ những ngày đầu năm, các ngư dân ở xã Bình Châu (Bình Sơn), xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi khi liên tục trúng đậm tôm nhí (hay còn gọi là tôm hùm con) và cá nục suông. Tại bãi biển xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi vào lúc 4h sáng. Những chiếc thúng con cùng các ngư dân liên tục cập bờ. Sau hơn 7 giờ thả lưới, anh Nguyễn Tấn (xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cùng bạn thuyền đánh lưới được 10 con tôm nhí. Với giá bán 260.000 mỗi con, sau 1 đêm, anh kiếm thêm được khoảng thu nhập khấm khá. Theo anh Tấn, mới đầu năm, có người đã trúng được 50 - 60 con, nhân với số tiền mỗi con thì thu nhập cũng rất ổn.

Các tàu đánh bắt chuẩn bị ra khơi.

Các tàu đánh bắt chuẩn bị ra khơi.

Tại các vùng biển Lý Sơn, TP. Quảng Ngãi, những ngày đầu năm là thời điểm đánh bắt tôm hùm nhí của ngư dân Quảng Ngãi. Từ lúc chiều tối, hàng chục thuyền thúng và ngư dân đi theo nhóm ra các gành biển, bãi rạng thả lưới mành bắt tôm hùm nhí. Hiện đang là mùa sinh sôi của loại tôm này và thời tiết khá tốt nên việc đánh bắt của ngư dân thuận lợi hơn. Theo những ngư dân dày dặn kinh nghiệm trong nghề thì để bắt được nhiều tôm đòi hỏi ngư dân phải có kinh nghiệm bởi lẽ ngoài việc chọn vị trí thả lưới thì phải phán đoán được hướng gió, đồng thời “bắt” được con nước để đoán đúng hướng di chuyển của tôm. Tôm nhí thường nấp trong những bãi rạn, gành đá gần bờ. Cách bắt tôm phổ biến nhất là bủa mành trũ và chong đèn, bên cạnh đó là bẫy nhử và lặn bắt bằng bình hơi. Thời gian bắt tôm nhí chủ yếu là từ 15 giờ đến khoảng 4 - 5 giờ sáng ngày hôm sau. Sau khi thả lưới, đến tối, các ngư dân chong đèn để dụ tôm vào mành và cứ sau từ 2 - 3 tiếng thăm mành tôm 1 lần. Tôm nhí được phân làm 2 loại gồm: tôm sao và tôm xanh, tôm sao thường được thu mua với giá cao hơn nhiều lần so với tôm xanh.

Ngư dân Nguyễn Dũng (ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ) - người có thâm niên hàng chục năm hành nghề này cho biết, 2 ngày gần đây, do trời mưa lạnh nên anh bắt được ít tôm hơn so với những ngày trước. Tuy ít nhưng với số tôm bắt được vẫn cho anh thu nhập tiền triệu mỗi ngày. “Với ngư dân chúng tôi thì kiếm được mấy chục triệu trong vòng chỉ mấy ngày thì như trúng số rồi còn gì”. Thực tế, thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán hằng năm từ lâu đã trở thành khoảng thời gian “vàng” của ngư dân chuyên hành nghề khai thác tôm nhí ở Quảng Ngãi, khi chỉ cần trên dưới 10 ngày đánh bắt, họ có thể thu về số tiền hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Đây như một đặc ân của biển mẹ ban tặng cho người dân ở các làng chài dịp đầu năm.

Bên cạnh đó, nhiều ngư dân chỉ đánh bắt ở khu vực gần bờ từ 30 - 50 hải lý cũng đã thu hoạch khá lớn lượng cá nục suông. Với giá dao động trên thị trường từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, nhiều ngư dân trúng lớn đem lại thu nhập mỗi ngày 200.000 - 300.000 đồng với những chuyến biển ngắn ngày. Theo Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, nhiều ngày qua, hàng trăm tàu cá Bình Châu, Tịnh Kỳ và Lý Sơn đã trúng lớn cá nục suông. “Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt ngoài vùng biển đảo Lý Sơn, Sa Huỳnh 2-5 ngày, trung bình mỗi tàu thu về 6-10 tấn cá nục.

Niềm vui của ngư dân khi đánh bắt được tôm hùm nhí.

Niềm vui của ngư dân khi đánh bắt được tôm hùm nhí.

Còn tại Đà Nẵng, từ Tết Nguyên đán đến nay, tại ngư trường ven bờ, nhiều ngư dân TP. Đà Nẵng đã đánh bắt trúng mùa ruốc, thu nhập cao. Vào những ngày cao điểm, những tàu khai thác ra khơi vào chiều tối và hoạt động khai thác diễn ra trong đêm cho tới tờ mờ sáng dõi theo những quầng ruốc đỏ au, búng tanh tách trên mặt nước theo các con sóng. Ông Lê Văn Thêm - chủ tàu ĐNa - 37117 cho biết, thường 5 giờ chiều hôm trước ông cho tàu ra khơi cách bờ biển Đà Nẵng chừng 7 hải lý. Đây là ngư trường xuất hiện nhiều quầng ruốc. Sau 1 đêm, tàu của ông Thêm đã vớt được 1 tấn ruốc, lời chừng 10 triệu đồng. Ngư dân Nguyễn Văn Bảy (phường Thọ Quang) cũng cho biết, trước đó, vào các ngày mùng 2 - 3 Tết Đinh Dậu, tàu của anh cũng khai thác trúng quầng ruốc với sản lượng trên 1 tấn ruốc mỗi tối. Những hôm trúng ruốc, 2 lao động làm quần quật suốt đêm, sau khi trừ đi chi phí xăng dầu mỗi người kiếm được hơn 3 triệu đồng, anh Bảy cho hay. Theo anh Nguyễn Văn Bảy, những ngày qua, trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà có khoảng 7 tàu, ghe ra biển vớt ruốc và hầu hết các tàu, ghe này đều thu được từ 500 - 1.000kg ruốc, cho thu nhập từ 5-10 triệu đồng mỗi buổi tối. Tàu đưa ruốc vào bến đã có ngay đội ngũ thương lái sẵn sàng thu mua hết. Những buổi sáng có tàu, ghe đưa ruốc vào, bến cá thường tấp nập. Giá bán sỉ ruốc tươi ngay tại bến là 10.000 đồng/kg. Các thương lái mang bỏ mối ở các chợ trong thành phố và các tỉnh từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Mùa ruốc ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Đà Nẵng thường kéo dài từ tháng 10 âm lịch năm trước sang tháng 2, tháng 3 âm lịch năm sau. Đây là thời điểm ngư dân Đà Nẵng dễ dàng hưởng “lộc” biển nhờ khai thác ruốc…

Tôm hùm nhí.

Tôm hùm nhí.

Còn tại Nghệ An, những ngày đầu xuân Đinh Dậu, ngư dân rất phấn khởi bởi những chuyến đi biển đầu năm đều trúng đậm. Người dân coi đây là lộc biển, hứa hẹn năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, cá tôm đầy khoang. 6 giờ sáng, cảng cá phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã nhộn nhịp, tàu thuyền tấp nập cập bến mang theo lộc biển đầu năm về bến. Ngồi chuyển những khay tép biển trên thuyền xuống bến để cân cho thương lái, anh Nguyễn Văn An - ngư dân phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò phấn khởi: “Thuyền nhà tôi đi cất tép biển, mở hàng từ hôm qua. Năm nay chuyến đầu đã trúng lớn. Hôm qua đi được gần 1 tấn tép, hôm nay cũng được hơn 5 tạ”. Theo anh An, mỗi thuyền đi tép biển có 6 người, đi từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau thì về. Với sản lượng như thế này, trừ chi phí, mỗi thuyền còn lãi hơn 10 triệu đồng. Vội vàng bỏ thúng tép lên xe cho vợ chở ra chợ bán, anh Đặng Văn Thành (ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu) cười nói: “Một mình tôi đi bè mảng từ tối hôm qua đến sáng sớm thì về. Những ngày đầu năm mới, thời tiết nắng đẹp, lại có ruốc (từ địa phương gọi tép biển) nên gia đình tranh thủ ra khơi. Dù bè mảng công suất nhỏ nhưng chuyến nào cũng được dăm tạ ruốc. Trừ chi phí tiền dầu, mỗi chuyến cũng lãi bạc triệu”. Được biết, trong những ngày đầu năm, tép biển rất dễ bán vì tươi ngon, sạch và lạ miệng. Ngoài bán ở chợ để ăn còn có rất nhiều thương lái mua tép biển về để làm mắm. Đối với ngư dân ven biển Nghệ An, đây chính là “lộc trời”, báo hiệu một mùa biển 2017 bội thu.

Việc ngư dân các vùng ven biển miền Trung đang rất phấn khởi khi liên tục trúng đậm những mẻ lộc biển mang lại nguồn thu lớn cho ngư dân, đồng thời báo hiệu một năm mới với nhiều bội thu.


Phan Nhiên – Lê Hoài
Ý kiến của bạn