Hà Nội

Loay hoay xử lý rác thải y tế tư nhân

16-11-2016 12:44 | Xã hội
google news

SKĐS - Đương nhiên để được cấp giấy phép hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập đều có hợp đồng xử lý chất thải...

Đương nhiên để được cấp giấy phép hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập đều có hợp đồng xử lý chất thải, rác thải y tế theo quy định, nhưng việc xử lý rác thải y tế trên thực tế lén lút, sai quy định ra sao, thì chỉ người trong cuộc mới rõ.  Số lượng cơ sở và rác thải y tế tư nhân ngày một tăng cao tỉ lệ thuận với nhu cầu và dân số, còn đầu ra của rác thải vẫn loanh quanh như cũ. Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều địa phương trên toàn quốc.

Lập lờ cho vào rác sinh hoạt

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay hệ thống cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên thành phố có gần 3.000 cơ sở với đặc thù của các cơ sở y tế tư nhân là rải rác xen kẽ trong các khu dân cư, lượng chất thải y tế phát sinh tuy từng nơi không lớn nhưng có tính chất nguy hại rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Việc xử lý loại rác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại những cơ sở y tế tư nhân.

Ở Hà Nội, lân cận quanh các bệnh viện lớn, như đường Giải Phóng đoạn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai đã có trên 100 phòng khám, bệnh viện tư nhân hoạt động suốt ngày đêm, đó là chưa kể hàng trăm phòng khám đa khoa, bệnh viện tư nhân rải khắp thành phố đều xả ra chất thải y tế không ngừng nghỉ.rác thải y tế tư nhân

Rác thải y tế cần xử lý đúng quy trình để tránh nguy cơ lây truyền bệnh.

Đáng chú ý là không ít các phòng khám đều được xây dựng, cải tạo dựa trên cơ sở nhà dân thông thường, nên hệ thống xử lý nước thải y tế của các phòng khám đều đương nhiên hòa chung với hệ thống nước thải sinh hoạt công cộng mà không hề qua xử lý, khiến nguy cơ lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm ra môi trường sống rất cao.

Đặc biệt là một lượng rác thải y tế khổng lồ từ các cơ sở này như bông băng, kim tiêm, dây truyền dịch, cho tới cả bệnh phẩm đều đang được xử lý phân loại rất cẩu thả. Nhiều nơi chỉ bao gói bằng các túi ni lông, rồi tập trung vào giờ đổ rác của khu dân cư là tống cả lên xe.

Hầu hết phòng khám tư nhân vẫn ký hợp đồng trị giá hàng triệu đồng mỗi năm với công ty xử lý rác thải y tế (như Urenco), nhưng vì công ty thường thu gom theo định kỳ tuần 1, 2 lần. Để đỡ bị tích tụ bẩn thỉu trong khuôn viên của mình, một số phòng khám vẫn "chăm chỉ' vệ sinh hàng ngày bằng cách cho rác y tế thẳng vào rác sinh hoạt. Một số phòng khám lại ký hợp đồng để xin giấy phép hoạt động, rồi sau đó họ hủy hợp đồng hoặc chây ì đóng phí thu gom xử lý rác.

Có phép rồi… hủy hợp đồng xử lý rác

Tình trạng tương tự, thậm chí đáng lo ngại hơn đang diễn ra ở các tỉnh, thành phố nhỏ khác. Ở Đồng Nai, Công ty cổ phần môi trường Sonadezi, hiện là công ty thực hiện thu gom rác y tế của các cơ sở y tế công lập và tư nhân tại TP. Biên Hòa. Trong thành phố, công ty mới tiến hành thu gom rác thải y tế của các cơ sở y tế tư nhân, đạt tỷ lệ 55,4%. Số còn lại chủ yếu là các phòng khám nhỏ, lẻ chưa được thu gom rác thải y tế, vì họ không ký hợp đồng với công ty hoặc tự xử lý rác không đúng quy định. Rác y tế tư nhân ở các huyện vùng sâu, vùng xa gần như bị buông trôi, nguyên nhân đơn giản là khối lượng lẻ tẻ không đảm bảo chi phí thu gom.

Đáng chú ý là tình trạng lập lờ, trốn tránh trách nhiệm trong xử lý rác thải y tế của nhiều cơ sở tư nhân.  Sau khi ký hợp đồng với công ty để được Sở Y tế cấp phép hoạt động, một số cơ sở y tế liền… thanh lý hợp đồng trước thời hạn, khiến công ty không kịp báo cáo với sở, ngành cũng như sắp xếp việc thu gom rác theo kế hoạch.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám tư lén lút bỏ rác thải y tế chung với rác thải sinh hoạt ra ngoài lòng đường, vỉa hè. Các phòng khám chữa bệnh tư nhân ban đầu cũng ký hợp đồng xử lý rác thải y tế với một cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Công ty TNHH Đô thị và Môi trường tỉnh cho biết sau đó không ít cơ sở không chấp hành việc đóng phí vệ sinh, hoặc chỉ đóng được một vài tháng đầu rồi chây ì. Một số khác hoạt động vài tháng rồi chuyển địa điểm đi đâu không rõ, có cơ sở sau khi ký hợp đồng được một vài ngày thì đến công ty trả lại hợp đồng đã ký.

Thực tế, Bệnh viện Lao và bệnh phổi của tỉnh cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có 17 cơ sở  y tế nhà nước và tư nhân ký hợp đồng xử lý rác thải y tế với bệnh viện nhưng chỉ có 3 đơn vị (trong đó có 2 cơ sở y tế nhà nước) mang rác đến xử lý với số lượng rất ít, mỗi lần chưa tới 1 kg. Có cơ sở y tế ký hợp đồng nhưng chưa bao giờ thấy mang rác tới xử lý. Bệnh viện không thể đi kiểm tra xem cơ sở này còn hoạt động hay không và rác y tế của họ đi về đâu.

Đó là chưa kể nhiều phòng khám tư nhân ở các vùng sâu, vùng xa có "quyết tâm" xử lý rác thải, nhưng lại không tìm ra điểm xử lý, vì bản thân các điểm tiêu hủy chất thải y tế địa phương cũng… quá tải. Điển hình như tại TX. Buôn Hồ, nhiều phòng khám y tế tư nhân trên địa bàn phải liên tục thu gom nhỏ giọt rác thải rồi thuê xe chở đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar nhờ xử lý hộ, vừa tốn kém vừa bất tiện.

Thiết nghĩ, rác thải y tế là một nguồn bệnh vô cùng lớn khi hòa cùng vào nguồn rác sinh hoạt vốn cũng đã thừa độc hại. Đã đến lúc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tuyên truyền mạnh hơn, đồng thời áp dụng những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm về xử lý rác thải y tế của các cơ sở tư nhân.


Hải Đăng
Ý kiến của bạn