Loay hoay lựa chọn trường công hay tư: Đâu là tiêu chí quan trọng?

14-12-2022 13:55 | Thời sự

SKĐS - Cho con học trường công lập hay trường tư thục là lựa chọn không dễ đối với các bậc phụ huynh khi phải đau đầu tính toán chi li mức học phí, tham khảo đội ngũ giáo viên, phân tích thiệt hơn trong chuyện chọn trường…

TP.HCM vận động tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh qua Facebook, Zalo, TikTokTP.HCM vận động tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh qua Facebook, Zalo, TikTok

SKĐS - Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh đồng thuận cho con em tham gia tiêm vaccine trong năm học 2022-2023.

Loay hoay giữa muôn vàn tiêu chí chọn trường

Trong rất nhiều tiêu chí chọn trường cho con, chị Thanh Tuyền (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tiêu chí quan trọng nhất để chọn trường cho con với gia đình chị là học phí có hợp lý với điều kiện gia đình hay không, tiếp đến là môi trường học tập thân thiện không, rồi phương pháp giáo dục phù hợp không và cuối cùng là có thuận tiện cho việc đưa đón con không.

"Tôi mong muốn con có một môi trường học tập vui vẻ, không quá áp lực về bài tập về nhà, không phải đi học thêm. Bên cạnh đó, chương trình học ở trường phải kết hợp đa dạng những kỹ năng bao gồm các môn nghệ thuật và thể thao. Vì vậy, tôi đã nhắm đến một ngôi trường tư thục gần nhà cho con theo học.

Hiện tôi đang cho con tham gia một câu lạc bộ trải nghiệm trước thềm lớp 1 tại một trường tư thục liên cấp trên địa bàn quận Thanh Xuân với 8 buổi học vào thứ 7 hằng tuần.

Chọn trường công hay tư - câu hỏi khiến phụ huynh "nhức đầu" mỗi mùa tuyển sinh - Ảnh 2.

Cho đến hiện nay không có một mô hình trường nào hoàn hảo mà chỉ có ngôi trường phù hợp nhất với điều kiện của học sinh, tình hình tài chính của gia đình. Ảnh minh họa.

Tuần vừa rồi con chị Thanh Tuyền đã học đến buổi thứ tư, các con không chỉ làm quen với trường lớp, học kiến thức mà trực tiếp tham gia rất nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như: thực hành STEM, mỹ thuật, âm nhạc, rèn luyện tư duy, ngoại ngữ và thể thao. "Tôi hy vọng sau những buổi trải nghiệm con sẽ vững chãi hơn, trưởng thành hơn, tự tin bước tới ngưỡng cửa tiểu học phía trước", chị Tuyền nói.

Chia sẻ với PV, chị Hồng Cư (có hai con sinh đôi 5 tuổi cho biết: "Tôi lo hai con của mình khi vào học trường công giống một nơi hành xác với nhiều quy định khắt khe, bài vở quá tải, cơ sở vật chất nghèo nàn, cùng nhiều hệ lụy như học thêm, quà cáp phong bì ngày lễ, Tết...

Tôi lo rằng nếu học trường công, các con tôi có nguy cơ không được hưởng một tuổi thơ đúng nghĩa nhưng nếu cả hai cháu vào học trường tư thì quả là một gánh nặng lớn đối với kinh tế gia đình. Việc chọn trường cho con, với gia đình tôi không phải là công việc dễ dàng. Thời điểm này, gia đình rất lo lắng khi phải tính toán chi li, phân tích thiệt hơn trong chuyện chọn trường cho hai con".

Ngược lại, anh Mai Trọng (Xuân Phương, Hà Nội) rút kinh nghiệm từ đứa lớn, sau khi học 2 năm đầu cấp tại trường tư, gia đình đã phải xin chuyển con về học trường công lập gần nhà bởi ở trường tư, con anh được cưng chiều, quen thói tự do, không theo một khuôn phép nào.

"Với con thứ hai chuẩn bị bước vào lớp 1 này, tôi chắc chắn sẽ cho con học trường công đúng tuyến gần nhà, thầy cô nghiêm khắc, kỷ luật, quan tâm học sinh; cơ sở vật chất tốt. Một đứa trẻ như cây non, muốn phát triển khỏe mạnh thì cần phải uốn nắn để đưa vào quy củ. Học trường công hay trường tư, theo tôi ở đâu cũng có những mặt tốt và mặt chưa tốt".

"Dù học trường nào, giáo dục gia đình vẫn rất quan trọng"

Với kinh nghiệm của một người mẹ làm việc trong lĩnh vực giáo dục, Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh cho rằng, trước khi phụ huynh quyết định chọn trường nào thì nên tìm hiểu có bao nhiêu loại trường và tài chính của gia đình ra sao. Cho đến hiện nay không có một mô hình trường nào hoàn hảo mà chỉ có ngôi trường phù hợp nhất với điều kiện của học sinh, tình hình tài chính của gia đình.

Thạc sĩ Thụy Anh chia sẻ: "Đứa con đầu tiên của tôi là "sản phẩm" của trường công và hiện đang du học ở Mỹ. Dù học tại trường công, tư thục hay quốc tế, giáo dục gia đình vẫn rất quan trọng. Tôi không cho con học thêm nhiều, thay vào đó rèn kỹ năng tự học, trang bị các môn năng khiếu để giải tỏa căng thẳng và vốn tiếng Anh với những chứng chỉ quốc tế đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của trường".

Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chương trình giáo dục phổ thông đã được chuẩn hoá, tích hợp tất cả năng lực của công dân thế kỷ XXI. Vì vậy, dù học nhóm trường công lập hay nhóm trường tư thục, học sinh cũng phải đáp ứng những yêu cầu đã đặt ra.

"Hiện nay trường nào cũng là trường tốt và việc lựa chọn trường sẽ phụ thuộc vào những điểm trọng tâm hay những giá trị mà mỗi gia đình muốn hình thành cho con của chúng ta. Điều quan trọng nhất cần tìm hiểu là triết lý ngôi trường và triết lý giáo dục phù hợp với giá trị mà gia đình muốn hướng tới. Ví dụ, ngôi trường đó có hướng đến đào tạo ra những nhà lãnh đạo trong tương lai hay không hay triết lý có đào tạo ra công dân thế kỷ XXI hay không".

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, trường nào cũng là trường tốt, kể cả trường công hay trường tư nếu trường đó tạo ra môi trường, điều kiện học tập để học sinh tự khám phá, thúc đẩy tính cá nhân hóa theo sở thích, mong muốn. Và chúng ta nên chọn lựa ngôi trường có nhiều Câu lạc bộ giúp trẻ phát triển kiến thức cùng kỹ năng như: Ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, đổi mới sáng tạo,… Cuối cùng, phụ huynh mới cân nhắc đến kinh phí, vị trí địa lý phù hợp với hoàn cảnh.

"Trường học cũng chỉ là phương tiện để giúp con hình thành các kỹ năng. Bất kể trường công hay trường tư đều cần phải có sự quan tâm của cha mẹ và cha mẹ chính là những người góp sức giúp cho con hình thành được những năng lực đó", PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết.

Học tiền tiểu học: Lợi bất cập hạiHọc tiền tiểu học: Lợi bất cập hại

SKĐS - Tháng 9 tới, lứa "khỉ vàng" 2016 sẽ bước vào lớp 1. Sau thời gian dài phải ở nhà để phòng dịch COVID-19, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi này lo lắng đã cho con đi học các lớp tiền tiểu học.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn