Hà Nội

Loay hoay chống trộm, tránh cháy

26-09-2014 10:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian gần đây xảy ra liên tục những vụ hỏa hoạn kèm theo hậu quả nặng nề, hết vụ cháy nhà khiến 7 người thiệt mạng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) lại đến vụ cháy quán bar Luxury đường Yên Phụ, Hà Nội

Thời gian gần đây xảy ra liên tục những vụ hỏa hoạn kèm theo hậu quả nặng nề, hết vụ cháy nhà khiến 7 người thiệt mạng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) lại đến vụ cháy quán bar Luxury đường Yên Phụ, Hà Nội, xen kẽ là rất nhiều vụ cháy nhà xưởng, cháy chợ... rải khắp các tỉnh thành. Nhiều người bấy nay vốn quen tư tưởng “sống chết tại số” cũng phải động lòng mà ngắm nghía lại nơi mình sinh sống. Thế nhưng, không ít người đau đầu khi gia cố nhà cửa quá chắc chắn để chống trộm thì lại lo nhỡ “bà hỏa” đuổi chạy không kịp...

Càng chắc chắn càng… lo

Đọc tin về vụ 7 người thiệt mạng do cháy nhà ở TP.HCM, chị Đoàn Hồ Đ. (Hoàng Mai, Hà Nội) có gia đình đang sống trong ngôi nhà mặt ngõ to tỏ ra cũng chột dạ, lo lắng: “Hàng ngày, vợ chồng đi làm, con trai 8 tuổi nghỉ hè ở nhà một mình cũng ghê. Nói dại, nếu xảy ra hỏa hoạn thì cũng phải có đường thoát thân. Nhà chỉ còn mỗi ban công là mở ra ngoài, cửa tầng 1 thì khóa. Lâu nay, chồng mình làm rào sắt, rồi khóa cửa chắc chắn để chống trộm, nhưng giờ để ý mới thấy nếu trộm thì chỉ mất tiền, còn nếu cháy thì gần như không còn đường thoát. Tôi đang đau đầu bàn với chồng mà chưa tính ra cách nào để vẹn toàn”.

Những rào chắn này sẽ là cản trở lớn khi gặp hỏa hoạn.

Những rào chắn này sẽ là cản trở lớn khi gặp hỏa hoạn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lo lắng như chị Đ. Một trong các biện pháp ở nhà phố mà nhiều người áp dụng là không làm lồng sắt bọc hết ban công các tầng mà chỉ làm cửa chắc chắn hoặc để trống lối lên sân thượng đề phòng tháo thân qua các nhà bên cạnh khi có sự cố. Đây có thể xem là cách phòng chống duy nhất “vẹn toàn” cho cả “khách không mời” lẫn “bà hỏa”.

Trên thực tế, nhiều người dân vẫn tỏ ra chủ quan, mặc kệ theo tư tưởng “sống chết có số” hoặc “có cố” cũng không ăn thua. Anh Hoàng Quốc Công (ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bộc bạch: “Tôi và nhiều gia đình quanh khu vực này chỉ lo nhất là trộm. Riêng tôi, ngoài cửa cuốn còn làm thêm 2 chiếc khóa sắt to vì thấy bảo trộm còn có máy mở cửa cuốn nữa. Hỏa hoạn thì tất nhiên ai chẳng sợ, nhưng khả năng thực tế thì khó hơn là trộm nên đành chấp nhận kiểu “kín bưng” vậy”.

Có thể hiểu cho tâm lý của nhiều người dân hiện nay bởi lẽ có những con ngõ nhỏ chỉ vừa cỡ hơn chiếc xe máy đi qua, lại sâu hun hút ngoằn ngoèo cách phố hàng trăm mét, bà con tự tính rằng nhỡ có hỏa hoạn chắc chỉ có nước vứt đó mà chạy chứ vòi cứu hỏa cũng chẳng thể nào kéo vào tới nơi.

Còn với người dân ở những nhà tập thể, cao tầng, khi các thông tin về những vụ cháy cứ liên tiếp thì số lượng người đi tìm mua thang dây cứu nạn cũng tăng lên. Chủ một cửa hàng bán đồ bảo hộ trên phố Yết Kiêu cho biết, lượng thang dây, đai dây gần đây tăng gần gấp đôi, vài năm trước hầu như không mấy người dân thường hỏi tới.

Anh Nguyễn Xuân (Chung cư CT5 - Mễ Trì) cho biết: “Tôi ở tầng 17, cửa ra ban công để trống thì nguy hiểm vì nhà có trẻ con, nhưng rào lại thì lại lo lối thoát nếu có sự cố hoả hoạn. Thấy mấy nhà xung quanh mua thang dây, mình cũng thấy lo lo nên sắm một cái. Gọi là cho yên tâm thôi, chứ có sự cố chả biết còn đủ bình tĩnh mà leo không nữa. Ngặt một nỗi, thang dây nhiều loại quá không biết mua kiểu gì, lúc dùng an toàn không”.

Còn chị N.Đ.B (Khu đô thị Xa La - Hà Đông) cho biết, một cửa hàng bảo hộ trên đường Nguyễn Trãi còn đến tận chung cư leo “biểu diễn” cho bà con để bán thang. Họ bảo giá chỉ 100.000 đồng nếu mua nhiều, loại dây chống được lửa thì 120 nghìn đồng và cũng bán được khá.

Đừng để “mất bò” mới làm chuồng

Xem ra người dân đã rất có ý thức để tìm cách phòng thân khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là phòng chứ không phải chữa.Theo một cán bộ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, đối với nhà dân, Hà Nội đang mùa nắng nóng, sử dụng điện nhiều gây quá tải đường dây gây chập cháy hoặc trong quá trình sử dụng lửa, thắp hương khói, đốt nến, vàng mã, than tổ ong, chỉ sơ suất một chút có thể gây hậu họa khôn lường.

Còn với các cơ sở sản xuất, kinh doanh như các vũ trường, tụ điểm biểu diễn nghệ thuật luôn chứa hệ thống dàn đèn nháy tạo hiệu ứng; hệ thống loa, âm thanh công suất lớn, cồn, rượu các loại. Mặt khác, các cơ sở vũ trường, bar, tụ điểm biểu diễn thường tiêu tốn một lượng điện lớn, rất có thể dẫn đến quá tải, chập mạch điện gây cháy làm bắn các hạt kim loại nóng chảy vào các vật liệu nội thất dễ cháy mà sự cố ở quán bar Luxury vừa qua là một điển hình.

Điều quan trọng hơn là bà con cần nâng cao ý thức an toàn, nhất là điện và lửa trong mỗi gia đình. Các chủ cơ sở kinh doanh các loại hình trên phải luôn kiểm tra và tự giác chấp hành các quy định về PCCC mới có thể tránh được nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập bất cứ lúc nào bởi không cơ quan chức năng nào có thể tuyên truyền đến nổi từng hộ dân.

   Việt Hoàng

 


Ý kiến của bạn