Tăng giá đất sẽ đảm bảo công bằng và hài hòa lợi ích cho người dân
Sáng ngày 3/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp báo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo.
Trả lời về việc giá đất tăng gây khó khăn cho người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất, ông Mai Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai cho biết, hiện nay tồn tại hai luồng ý kiến liên quan đến tiền sử dụng đất: một phía là người có đất bị thu hồi, phía còn lại là người chuyển mục đích sử dụng đất và phải nộp thuế cao. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo công bằng, hài hòa lợi ích giữa hai nhóm đối tượng này.
Trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, giá đất được quy định theo khung giá do Nhà nước ban hành. Các địa phương căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá đất, dẫn đến sự chênh lệch lớn so với giá thị trường. Điều này gây nhiều khó khăn khi triển khai các dự án đầu tư công, bởi mức đền bù thấp không thỏa đáng khiến việc thu hồi đất chậm trễ.
Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra định hướng quan trọng: giá đất phải tiệm cận với giá thị trường. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi được đền bù sát giá thực tế, đồng thời người chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính tương ứng.

Ông Mai Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai phát biểu trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo
Liên quan đến phản ánh từ thực tế tại Nghệ An và một số địa phương khác, nơi người dân phải nộp tiền sử dụng đất cao khi chuyển mục đích sử dụng, ông Phấn nhấn mạnh: Việc này phải thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là theo Nghị định 103 của Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu, trao đổi với Bộ Tài chính để đề xuất cách tính phù hợp hơn, có thể điều chỉnh tỷ lệ thu theo từng loại đất và từng nhóm đối tượng. Ví dụ, người chuyển mục đích sang đất ở có thể áp dụng tỷ lệ thấp hơn, thay vì thu 100%.
Mục tiêu cuối cùng là xây dựng chính sách giá đất vừa bám sát thị trường, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và Nhà nước, đồng thời giữ ổn định nguồn thu ngân sách.
Một số phóng viên bày tỏ lo ngại việc phân cấp xử lý sự cố môi trường cho cấp xã khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ khiến công tác phản ứng chậm trễ. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn rõ ràng để cán bộ địa phương đủ năng lực xử lý.
Về liên quan đến khả năng Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng Việt Nam từ 9/7 tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết đã làm việc với Bộ Công Thương để đánh giá tác động đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ, thủy sản. Một số mặt hàng trung chuyển có thể chịu thuế 20-40%. Các cơ quan đang rà soát cơ cấu thị trường để chuẩn bị ứng phó phù hợp.
Sau vụ việc liên quan đến Công ty CP, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định đã có văn bản yêu cầu xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường giám sát công tác kiểm dịch, kiểm soát lợn bệnh tuồn ra thị trường, đặc biệt tại các điểm nóng như Hà Nội.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái và thực phẩm không rõ nguồn gốc tại một số địa phương, Cục Quản lý chất lượng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, tăng cường thanh kiểm tra và truy xuất nguồn gốc.
Đối với hiện tượng rác thải là hàng hóa vi phạm (như hàng giảm giá, không đạt chuẩn) đổ ra môi trường, Cục Môi trường sẽ làm rõ trách nhiệm xử lý và tăng cường giám sát đối với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ.
Sản xuất ổn định, chăn nuôi và thủy sản khởi sắc
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2025, sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 34 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sáu tháng đầu năm 2025, sản xuất nông nghiệp giữ mức tăng trưởng ổn định. Sản lượng lúa Đông Xuân tăng so với năm trước. Cây ăn quả chủ lực và cây công nghiệp lâu năm đều tăng diện tích và sản lượng. Chăn nuôi lợn và gia cầm phục hồi tốt, giá thịt giữ ở mức cao, giúp người chăn nuôi có lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 6, diện tích gieo cấy lúa cả nước khoảng 5,2 triệu ha, tăng nhẹ so với năm trước. Sản lượng lúa ước đạt trên 22,7 triệu tấn, bằng 101,7% cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn tăng 3,8%, gia cầm tăng 4%, trong khi đàn trâu và bò lần lượt giảm 3,4% và 0,6%. Ngành lâm nghiệp ghi nhận diện tích rừng trồng mới đạt 153,5 nghìn ha, tăng gần 19%.
Ngành thủy sản cũng đạt kết quả khả quan. Sản lượng khai thác và nuôi trồng 6 tháng đạt 4,55 triệu tấn, tăng 3,1%, trong đó cá đạt 3,28 triệu tấn, tôm đạt 606 nghìn tấn.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 15,5%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) tháng 6/2025 ước đạt 5,93 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5%.
Châu Á tiếp tục là thị trường lớn nhất của NLTS Việt Nam, chiếm 42% thị phần. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 18,7%, châu Âu tăng 46,3%, châu Phi tăng 99,5%. Riêng Hoa Kỳ là thị trường đơn lẻ lớn nhất, chiếm 21,1% thị phần. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 16%, Nhật Bản tăng 25,5%.
Kim ngạch nhập khẩu NLTS tháng 6/2025 ước đạt 4,21 tỷ USD, tăng 11,5%. Lũy kế 6 tháng đạt 24,01 tỷ USD, tăng 15,1%. Trong đó, phân bón, thức ăn chăn nuôi, gỗ nguyên liệu đều tăng mạnh.
Các thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và Campuchia. Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 9,1%, Hoa Kỳ tăng 19%, Campuchia tăng 48%.
Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2026 và giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt ra một số nhóm giải pháp trọng tâm như hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách khuyến khích phát triển nông sản bền vững. Triển khai Chiến lược phát triển từng ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Quản lý chặt chất lượng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao thương hiệu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội từ các FTA. Tăng xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng như EU, Nhật Bản, Trung Đông và châu Phi.