Loạt địa phương cho học sinh nghỉ học thứ Bảy

23-02-2025 06:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Các địa phương có chung nhận định việc cho học sinh nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần giúp giảm áp lực học tập, có thời gian vui chơi, nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống.

Mới đây, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị đồng ý chủ trương thí điểm dạy học 5 ngày/tuần cấp trung học. Đối tượng áp dụng là các trường THCS, THPT và cơ sở giáo dục thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Thời gian đề xuất thực hiện thí điểm từ ngày 1/3 đến hết năm học 2024-2025.

Tại Yên Bái, từ học kỳ 2 năm học này, tỉnh Yên Bái triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ học thứ Bảy và Chủ nhật đối với học sinh cấp THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, việc thí điểm tổ chức dạy học 5 ngày/tuần (bao gồm cả dạy học các môn học, tổ chức hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ chính khóa) để học sinh nghỉ ngày thứ Bảy, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thời gian tự học, tự bồi dưỡng, tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội.

Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết, về cơ bản, chủ trương học 5 ngày/tuần bước đầu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của giáo viên, phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh vì học sinh nghỉ học vào thứ Bảy sẽ góp phần giảm tải áp lực, các em có thời gian để vui chơi bên gia đình hoặc tham gia các hoạt động để phát triển toàn diện các kỹ năng. Các giáo viên có thêm thời gian tái tạo sức lao động, tham gia các khóa bồi dưỡng, tự học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Loạt địa phương cho học sinh nghỉ học thứ Bảy- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng mới ban hành văn bản về định hướng, dự kiến thí điểm tổ chức triển khai dạy học 5 ngày/tuần (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật) trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo sự đồng thuận khi triển khai thí điểm, sở này yêu cầu các đơn vị trực thuộc sở, các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động; tổ nhóm chuyên môn; phụ huynh học sinh và học sinh trong toàn đơn vị về chủ trương tổ chức dạy học 5 ngày/tuần. "Các phòng GD&ĐT báo cáo, xin ý kiến UBND các huyện, thị xã, thành phố trước khi chỉ đạo, hướng dẫn các trường THCS về chủ trương triển khai thí điểm", Sở GD&ĐT Bắc Giang lưu ý.

Trước đó, một loạt các địa phương như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lào Cai, Khánh Hoà, Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hoá, Phú Thọ... đã thực hiện đại trà hoặc thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học thứ Bảy. Tuy cách làm khác nhau nhưng đều cùng mục đích giảm áp lực cho học sinh, giúp giáo viên và học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, học sinh có cơ hội học thêm các kỹ năng sống.

Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn về dạy học hai buổi mỗi ngày đối với cấp THCS và THPT.

Theo quy định, nếu học cả ngày, số tiết tối đa buổi sáng là 4 tiết đối với THCS và 5 tiết đối với THPT. Buổi chiều có thể tổ chức tối đa 3 tiết, với tổng số tiết không vượt quá 42 tiết/tuần cho cấp THCS và 48 tiết/tuần cho cấp THPT. Các trường được tự chủ trong việc sắp xếp lịch học 5 hoặc 6 ngày/tuần, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, phòng học và đội ngũ giáo viên.

Băn khoăn chuyện ôn luyện của học sinh cuối cấp khi dừng dạy thêm trong nhà trườngBăn khoăn chuyện ôn luyện của học sinh cuối cấp khi dừng dạy thêm trong nhà trường

SKĐS - Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm được áp dụng ngay trong học kỳ 2 năm học 2024 - 2025, thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 đang đến gần gây nhiều lo lắng cho học sinh cuối cấp và phụ huynh.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn