Loạt công viên, vườn hoa xuống cấp khiến người dân ngao ngán
Trước tình trạng trên, người dân Thủ đô đã có nhiều kiến nghị lên HĐND, UBND cùng các cơ quan có thẩm quyền để cải tạo, nâng cấp cũng như quan tâm hơn trong việc quản lý, vận hành với hi vọng những công trình này phát huy đúng công năng và là chỗ vui chơi, giải trí cho đông đảo người dân khi Thủ đô ngày càng "bê tông hóa".
Chia sẻ với chúng tôi, một người dân sinh sống cạnh Công viên Tuổi trẻ (Q. Hai Bà Trưng) cho biết: "Hà Nội ngày càng có tốc độ phát triển nhanh chóng về hạ tầng, tuy nhiên hơn thập kỷ qua công viên Tuổi trẻ không được quan tâm nâng cấp, cải tạo, gây lãng phí, tiếc nuối cho nhiều người dân".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huỳnh chia sẻ: "Cũng đã nhiều lần thấy cơ quan chức năng sửa sang, cố gắng khắc phục những tồn tại, sai phạm tại công viên nhưng để đi vào hoạt động bài bản, quy củ và mang lại lợi ích thật sự đối với người dân thì chưa biết đến bao giờ".
Không riêng gì tại Công viên Tuổi trẻ, tại Vườn hoa Nguyễn Trãi và Vườn hoa Hà Đông cũng ghi nhận sự xuống cấp, nhếch nhác suốt nhiều năm qua nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Tại đây, nhiều công trình như hệ thống đèn chiếu sáng, bồn hoa, bậc thềm, hệ thống đá lát nền, ghế đá… bị hư hỏng nghiêm trọng.
Chị Thanh An - một người dân trong khu vực cho biết "Trước đây, 2 vườn hoa này là luôn thu hút một lượng khách không nhỏ dịp cuối ngày hoặc cuối tuần. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt ngoài trời mà còn là điểm đi dạo, vui chơi của người dân sinh sống quanh đây. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cả 2 vườn hoa này không được đầu tư, cải tạo nên các hạng mục xuống cấp trông thấy".
Không chỉ có những công viên, vườn hoa trên ghi nhận sự xuống cấp mà các công viên khác như: Bách Thảo, Cầu Giấy, Thống Nhất, Thủ Lệ… đều xuất hiện nhiều hạng mục bị xuống cấp và có đề xuất với TP. Hà Nội để cải tạo, nâng cấp.
Bao giờ hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp?
Báo cáo tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 63 công viên, vườn hoa. Tại kế hoạch cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công viên, vườn hoa giai đoạn 2021-2025 xác định cải tạo nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận; Hoàn thành xây dựng mới 6 công viên trong giai đoạn 2021-2025 gồm: Công viên Chu Văn An, Công viên CV1, Công viên Khu Đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên văn hóa Kim Quy, Công viên hồ Phùng Khoang, Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, Thể thao quận Hà Đông; Đôn đốc triển khai 3 công viên gồm: Công viên Thiên Văn Học, Công viên Bắc Nam Mai Dịch, Công viên Hữu Nghị…
Ông Dương Đức Tuấn cũng thông tin, trong thời gian tới Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên theo kế hoạch để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề.
Tại Kỳ họp thứ 12 của HĐND TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, lĩnh vực công viên, vườn hoa, cây xanh được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố rất quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc cải tạo, nâng cấp Công viên Thống Nhất, Công viên Bách Thảo, Công viên Thủ Lệ là hết sức quan trọng. Đối với Công viên Thống Nhất, đây là công viên được đầu tư từ những năm 1960, gắn với phong trào lao động của công nhân viên chức Thủ đô. Hiện tại công viên này được kết hợp, nghiên cứu đồng bộ với tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông và không gian xung quanh hồ Thiền Quang. Vừa qua, các đơn vị chức năng đã hạ rào, tạo không gian mở của Công viên Thống Nhất.
Với Công viên Bách Thảo gắn với khu chính trị của quận Ba Đình, Công viên Thủ Lệ lại liên quan đến công viên chuyên đề nên việc nghiên cứu các công viên này cũng phải thực hiện và đặt trong bối cảnh cụ thể.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng sau Kỳ họp thứ 12 của HĐND, trả lời kiến nghị cử tri, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến thời điểm quận đã xử lý 7/14 hạng mục, công trình vi phạm gồm: Xử lý tháo dỡ hoàn toàn sân bóng đá; sân tennis ngoài trời do sai quy hoạch; tổ chức giải tỏa 3 bãi đỗ xe, quây hàng rào thép và thực hiện các biện pháp để chống tái vi phạm; nhà dịch vụ sân bóng đá; phá dỡ xong nhà nổi giữa hồ; khu văn phòng Trung tâm hợp tác quốc tế; hạng mục mái che sân tennis ngoài trời.
Đối với 7 công trình, hạng mục còn lại, gồm: Nhà hàng Cung Đình (bể bơi ngoài trời) đã phá dỡ xong Vip II, Vip I chưa phá dỡ. Khu nhà văn phòng Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội, UBND quận đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với Trung tâm tổ chức sự kiện Cung Xuân, UBND quận đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Còn khu miếu Liều, UBND quận đã ban hành quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Với 17 hộ dân tái chiếm khu vực tây bắc Công viên, hiện UBND phường đang vận động các hộ dân trả lại phần tái lấn chiếm…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian tới Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên theo kế hoạch để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề.
Hà Nội cũng tập trung kêu gọi đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Với những công viên công cộng, công viên mở phục vụ nhân dân sẽ được triển khai theo hướng giảm mật độ xây dựng (chỉ đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ công viên) tăng diện tích cây xanh (bổ sung những khu vực trồng cây xanh tập trung…).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đèo Bảo Lộc Sạt Lở Nghiêm Trọng Vùi Lấp Trạm CSGT Khiến 3 Chiến Sĩ Mất Tích | SKĐS