Loạt cây cầu qua sông Hồng kỳ vọng kết nối liên kết vùng Hà Nội

08-02-2024 14:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong năm 2024, các cây cầu qua sông Hồng được khởi công kỳ vọng sẽ giúp kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội với các khu vực lân cận

Cầu Thượng Cát và đường dẫn

Dự án xây dựng cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,2 km. Trong đó, cầu Thượng Cát có chiều dài 820 m, rộng 33 m, thiết kế 8 làn xe, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.

Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỉ đồng từ ngân sách thành phố do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến thực hiện trong 4 năm, từ năm 2023 đến năm 2027.

Loạt cây cầu qua sông Hồng kỳ vọng kết nối liên kết vùng Hà Nội- Ảnh 1.

Cầu Thượng Cát được quy hoạch nằm giữa bến phà Liên Hà và cầu Thăng Long.

Vị trí cầu Thượng Cát nằm giữa bến phà Liên Hà và cầu Thăng Long. Nhiều năm qua, người dân thường xuyên sử dụng phà để qua lại giữa quận Bắc Từ Liêm - huyện Đông Anh và ngược lại.

Đây là công trình giao thông được xây dựng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm thiểu ùn tắc, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các khu đô thị trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Để đảm bảo đồng bộ hệ thống giao thông, đường Vành đai 3,5, đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32 cũng sẽ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2026. Chiều dài tuyến đường 3,5 km, rộng 60 m với mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng.

Loạt cây cầu qua sông Hồng kỳ vọng kết nối liên kết vùng Hà Nội- Ảnh 2.

Nhiều khu vực là đất nông nghiệp dự kiến được sử dụng phục vụ công trình.

Cầu Vân Phúc

Cầu Vân Phúc có chiều dài 7,76km, được thực hiện trên địa bàn các xã như Phụng Thượng, Long Xuyên, Xuân Đình, Vân Phúc thuộc huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội. Điểm đầu công trình nằm tại vị trí giao cắt với Quốc lộ 32, điểm cuối tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5 m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Phần đường nối từ Quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32 m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn quý I/2024 - quý IV/2027. 

Loạt cây cầu qua sông Hồng kỳ vọng kết nối liên kết vùng Hà Nội- Ảnh 3.

Khu vực dự kiến xây dựng cầu Vân Phúc. Ảnh: Google Maps

Dự kiến trong quý I/2024, dự án sẽ phát quang và giải phóng mặt bằng. Quý II/2024 đến quý IV/2025, dự án sẽ thi công tuyến đường nối từ Quốc lộ 32 đến đê Ngọc Tảo. Quý I/2026 đến quý IV/2026 sẽ làm cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc. Quý I/2027 đến quý III/2027 sẽ thi công Cầu Vân Phúc qua sông Hồng. Quý IV/2027 sẽ nghiệm thu công trình và đi vào vận hành.

Việc xây cầu Vân Phúc nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh thành lân cận trong vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc B.

Cầu Mễ Sở, Cầu Hồng Hà phục vụ đường Vành đai 4

Cầu Mễ Sở và cầu Hồng Hà bắc qua sông Hồng là hai trong số ba cây cầu thuộc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. 

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ là dự án trọng điểm của Thu đô Hà Nội. Theo thiết kế, dự án có độ dài 112,8km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư sơ bộ 85.800 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Loạt cây cầu qua sông Hồng kỳ vọng kết nối liên kết vùng Hà Nội- Ảnh 4.

Phối cảnh cầu Hồng Hà vượt sông Hồng nối xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) với xã Văn Khê (huyện Mê Linh). Ảnh: UBND TP Hà Nội

Theo thiết kế, Cầu Mễ Sở cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín khoảng 600m về phía hạ lưu. Ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), đường dẫn lên cầu chạy qua các xã Mễ Sở, Thắng Lợi và cạnh đường dây điện 500kV.

Đối với Cầu Hồng Hà, công trình này giao cắt với đường Hồng Hà, đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa Trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai, thuộc xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) nối với xã Văn Khê (huyện Mê Linh).

Sau khi hoàn thành Công trình hai cây cầu này được kỳ giúp rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.

Xem thêm video được quan tâm:

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu đảm bảo phương tiện phục vụ người dân dịp Tết | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn