Loạt bão, áp thấp nhiệt đới nối đuôi nhau gây thời tiết nguy hiểm kéo dài

11-11-2024 09:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Chuyên gia cảnh báo những ngày tới, thời tiết trên biển diễn biến rất phức tạp khi có hàng loạt các cơn bão, áp thấp nhiệt đới nối đuôi nhau gây biển động, thời tiết nguy hiểm kéo dài tác động đến nước ta.

Diễn biến mới nhất về hai cơn bão trên Biển ĐôngDiễn biến mới nhất về hai cơn bão trên Biển Đông

SKĐS - Dự báo ngày 12/11, bão số 7 sẽ suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định, cùng lúc này bão số 8 vào Biển Đông, giảm cấp nhưng vẫn gây biển động mạnh, sóng lớn.

Loạt bão, áp thấp nhiệt đới nối đuôi nhau

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, trên vùng biển Philippines đang có một cơn bão mạnh, tên quốc tế là bão Toraji. Lúc 1 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ vĩ bắc; 123,1 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông đảo Luzon. Bão mạnh cấp 12 (118 - 133 km/giờ), giật cấp 15, di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 20 km/giờ.

Theo dự báo, đêm nay bão Toraji sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 trong năm 2024 nên khu vực biển này sẽ có sự xuất hiện của 2 xoáy thuận nhiệt đới.

Đến 7h ngày 12/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc khoảng 20km/h, đi vào Biển Đông; trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông với sức gió cấp 10, giật cấp 12.

Loạt bão, áp thấp nhiệt đới nối đuôi nhau gây thời tiết nguy hiểm kéo dài- Ảnh 2.

Diễn biến mưa lũ thời gian tới phức tạp do hàng loạt cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện.

7h ngày 13/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông với sức gió cấp 10, giật cấp 12. 7h ngày 14/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h, trên khu vực phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông với sức gió cấp 8, giật cấp 10

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.

Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 5,0-7,0m; biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trên Tây Bắc Thái Bình Dương đang có 3 cơn bão hoạt động.

Đầu tiên là cơn bão số 7 (tên quốc tế Yinxing). Bão số 7 đang hoạt động trên khu vực Biển Đông của Việt Nam. Một cơn bão nữa là bão Toraji hoạt động ở khu vực phía Đông của Philippines và một cơn ngoài khơi xa Tây Bắc Thái Bình Dương có tên Man-yi. Ngoài ra, còn 1 áp thấp nhiệt đới nữa xen kẽ giữa bão Toraji và bão Man-yi.

Theo ông Hưởng, 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới này đều nằm trên một dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Biển Đông. Và những cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới thường di chuyển theo hướng của trục dải hội tụ nhiệt đới.

Theo ông Hưởng, đây là điều giải thích tại sao trong thời gian sắp tới, khu vực Biển Đông liên tiếp đón nhận những xoáy thuận nhiệt đới mà đầu tiên là bão số 7, sau khoảng 24-48 tiếng tới có thể là bão số 8 và cũng không loại trừ khả năng trong thời gian tới có thể xuất hiện bão số 9. Với thời gian xuất hiện bão liên tục như vậy, trên biển duy trì tình trạng thời tiết nguy hiểm kéo dài.

Mưa lớn kéo dài ở miền Trung

Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, đối với cơn bão số 7, tác động nguy hiểm nhất là tình trạng gió mạnh trên biển. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 từ tối và đêm 11/11 đến hết ngày 12/11 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa. Từ gần sáng ngày 12/11 đến ngày 13/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Từ đêm 13/11, mưa lớn giảm dần.

"Đây là những cảnh báo tác động theo dữ hiệu hiện tại, người dân các vùng ven biển miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, cần theo dõi sát tình hình bão và chuẩn bị các phương án ứng phó để giảm thiểu rủi ro", ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.

Để ứng phó với mưa lớn kéo dài ở miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Hà Giang: Mưa bão, sạt lở khiến Làng cổ Thiên Hương có nguy cơ bị "xóa sổ"Hà Giang: Mưa bão, sạt lở khiến Làng cổ Thiên Hương có nguy cơ bị 'xóa sổ'

Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa bão, làng cổ thôn Thiên Hương xuất hiện nhiều vết nứt, ngày càng lan rộng, ăn sâu vào nhà của người dân, làm nứt toác những con đường.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời điểm bão số 8 Toraji tiềm năng “bám gót” bão Yinxing ở Biển Đông đạt cực đại | SKĐS




Tô Hội
Ý kiến của bạn