Hà Nội

Loãng xương và một số thuốc trị

21-12-2015 08:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho bệnh lý loãng xương ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh lý này hiện nay còn nhiều bất cập, trong đó chủ yếu là do việc dùng thuốc chưa đạt hiệu quả và an toàn.

Bệnh lý loãng xương

Loãng xương là tình trạng quá trình tạo xương kém hơn quá trình hủy xương. Thực vậy, khi còn trẻ tuổi (dưới 25 tuổi), các tế bào xương (tạo cốt bào) mạnh hơn các tế bào hủy xương (hủy cốt bào) nên khối lượng khoáng chất của xương tăng dần cùng sự phát triển của cơ thể để đạt tới khối lượng xương đỉnh. Ở độ tuổi từ 25 - 40 tuổi, hoạt động của tạo cốt bào cân bằng với hoạt động của hủy cốt bào giữ cho khối lượng của bộ xương ổn định trong suốt thời kỳ trưởng thành. Từ ngoài 40 tuổi trở đi, hoạt động của hủy cốt bào lớn hơn hoạt động của tạo cốt bào, do vậy khối lượng khoáng chất của bộ xương sẽ giảm dần, đặc biệt ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, tốc độ mất xương nhanh hơn nhiều so với nam giới do sự suy giảm nội tiết tố estrogen. Tuổi càng cao thì tình trạng thiểu sản xương càng tăng, cho đến khi trọng lượng xương (trong một đơn vị thể tích) giảm trên 30% thì có dấu hiệu khi khám lâm sàng.

Vận động thể lực thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương.

Loãng xương còn xuất hiện ở mọi lứa tuổi, là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau như bất động quá lâu, một số các bệnh về nội tiết (cường vỏ thượng thận, suy tuyến sinh dục, cường giáp,...) hay các bệnh về thận (chạy thận nhân tạo, thải nhiều calci) hoặc do lạm dụng một số thuốc như corticoid, heparin...

Một số yếu tố di truyền cũng có thể tham gia vào cơ chế loãng xương, các nghiên cứu cho thấy những người da đen ít bị loãng xương hơn người da trắng, người gầy và cao hay bị loãng xương, một số trường hợp loãng xương có tính chất gia đình.

Nếu chỉ loãng xương đơn thuần thì bệnh nhân thường không hoặc rất ít khi đau xương, thường thấy là cảm giác dị cảm (tê buồn, nhức mỏi, kiến bò), nếu đau thường do lún, xẹp đốt sống và thường thấy ở cột sống, vì loãng xương ở chi thường không gây đau. Giảm chiều cao đốt sống và gãy cổ xương đùi thường gặp ở bệnh nhân có loãng xương nặng. Sự không vận động, nhất là bệnh nhân bị bất động tại giường sẽ làm nặng thêm tình trạng loãng xương. Trong các đợt đau cấp, cột sống bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và dùng thuốc chống đau. Nhưng tránh bất động hoàn toàn, cần vận động chủ động hoặc thụ động các chi để duy trì vận động của các khớp và cơ, phòng các biến chứng do nằm lâu. Ngoài cơn đau, hướng dẫn bệnh nhân vận động nhẹ nhàng cột sống, thở nhẹ và sâu tránh vận động quá mạnh có thể gây gãy xương. Cần duy trì chế độ ăn giàu calci từ khi còn trẻ, trong khẩu phần ăn cần có ít nhất 100g thịt hoặc cá (tương đương 2 quả trứng), mỗi ngày nên uống 1/4 lít sữa tươi.

Các thuốc điều trị loãng xương

Các thuốc calcium làm tăng thể tích của xương ở vỏ xương và khoáng hóa bè xương dưới ảnh hưởng của flour. Bổ sung lượng calci sau mãn kinh có thể làm giảm tỷ lệ mất chất xương, nhất là ở các xương ngoại vi. Phụ nữ được uống calci sau mãn kinh làm giảm được tỷ lệ gãy xương xuống một nửa so với phụ nữ không dùng calci. Ở những người dùng dài hạn chất lợi tiểu thiazid làm giảm sự mất calci ở xương chậu.

Vitamin D, trong tự nhiên vitamin D tồn tại dưới dạng vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol) nguồn gốc từ động vật. Để có hoạt tính, chúng phải được chuyển hóa trong cơ thể và chịu nhiều tác động. Trên xương, vitamin D làm tăng tiêu xương của hủy cốt bào và cần thiết cho sự xuất hiện của diện khoáng hóa. Vitamin D còn giúp tăng hấp thu calci tại ruột, do đó có vai trò trong điều trị và dự phòng loãng xương. Tác dụng tại thận của vitamin D tuy là thứ phát nhưng nó quan trọng trong điều trị loãng xương, vì làm giảm tái hấp thu calci ở ống thận. Người lớn tuổi thường khả năng hấp thu vitamin D giảm nên thường phải bổ sung vitamin D hàng ngày.

Việc bổ sung calci và vitamin D nói chung không dùng đơn độc mà kết hợp với nhau. Và thường kết hợp với các thuốc như calcitonin, là chất ức chế trực tiếp hoạt động của hủy cốt bào, khi dùng kéo dài sẽ làm giảm đời sống và số lượng của hủy cốt bào bằng cách ức chế sự biệt hóa của các tiền chất của hủy cốt bào trong tổ chức sinh lý của tủy xương. Sau một năm điều trị bằng calcitonin, khối lượng xương bè thường tăng 7%, xương vỏ tăng 3%. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng calcitonin được dùng nhiều hơn với mục đích làm giảm đau, giảm cảm giác dị cảm ở những bệnh nhân loãng xương.

Biphosphonat có hoạt tính kháng hủy xương với sự giảm tiêu xương. Nó tham gia vào các cơ chế khác nhau hoặc gắn vào chất cơ bản của xương và hủy cốt bào làm giảm tiêu xương. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp loãng xương sau mãn kinh, có hoặc không có kèm theo lún, xẹp đốt sống hay gãy xương. Ở những bệnh nhân điều trị corticoid kéo dài (trên 3 tháng) thì biphosphonat được dùng với mục đích phòng loãng xương.

Ngoài ra, dùng thuốc nội tiết cũng là một trong những phương pháp điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh do suy giảm nội tiết tố. Ngoài tác dụng trên vấn đề loãng xương, các thuốc còn có tác dụng khác trên các triệu chứng như bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ, tăng khoái cảm tình dục,... Cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa trước khi có ý định sử dụng nhóm thuốc này.


BS. Nguyễn Thị Hương
Ý kiến của bạn