Loãng xương, hạ canxi huyết do thiếu canxi: Cách nào nhận biết?

10-03-2023 10:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thiếu canxi có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, hạ canxi máu và các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác. Vậy làm thế nào để biết cơ thể đang thiếu canxi?

Canxi là một khoáng chất dồi dào trong cơ thể, có nhiệm vụ quan trọng là tăng cường sức mạnh cho bộ xương. Khoảng 98% lượng canxi trong cơ thể được lưu trữ trong xương. Canxi cũng cần thiết để răng, tim, dây thần kinh và cơ hoạt động bình thường.

Sự thiếu hụt canxi có thể dẫn đến chứng loãng xương làm yếu xương và có thể gây gãy xương ở hông, cột sống và cổ tay… Chế độ ăn ít canxi là một trong nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mất xương.

Loãng xương, hạ canxi huyết do thiếu canxi: Cách nào nhận biết? - Ảnh 1.

Canxi rất cần thiết cho xương, răng chắc khỏe; thần kinh, cơ hoạt động bình thường.

1. Cơ thể thiếu canxi khi nào?

Cơ thể không thể tự tạo ra canxi mà phải lấy từ chế độ ăn uống và/hoặc thực phẩm bổ sung. Theo Viện Dinh dưỡng, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về canxi (mg/ngày) theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý cho người Việt Nam được đưa ra như sau:

  • Nhu cầu canxi ở trẻ từ 6-11 tháng là 400 mg/ngày
  • Trẻ em 1-2 tuổi là 500 mg/ ngày; trẻ 3-5 tuổi là 600 mg/ngày; trẻ 6-7 tuổi là 650 mg/ngày, 8-9 tuổi là 700 mg/ngày.
  • Từ 10-19 tuổi và người ≥ 70 tuổi là 1000 mg/ngày
  • Người trưởng thành 20-49 tuổi và nam giới 50-69 tuổi là 800, nữ giới 50-69 tuổi là 900 mg/ngày.
  • Phụ nữ có thai là 1200 mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 1300 mg/ngày.

Xương hấp thụ canxi từ máu. Những người khỏe mạnh thường có nồng độ canxi trong máu từ 8,8 đến 10,4 mg/dl. Nói chung, chế độ ăn uống rất ít vitamin hoặc khoáng chất mới có thể dẫn đến sự thiếu hụt này.

Thiếu canxi có thể dẫn đến loãng xương hoặc các rối loạn khác liên quan đến canxi và hạ canxi máu, một dạng thiếu canxi, được định nghĩa là có nồng độ canxi trong máu thấp hơn 8,5 mg/dl.

Canxi trong máu giảm thì cơ thể phải huy động canxi từ xương vào máu để tham gia các quá trình chuyển hóa. Điều này làm cho ít canxi hơn ở xương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương trong tương lai.

Ngoài ra, hạ canxi huyết, một dạng thiếu canxi nghiêm trọng, cũng có thể do không nhận đủ vitamin D hoặc magiê. Các nguyên nhân khác gây hạ canxi máu có thể bao gồm không sản xuất đủ hormone tuyến cận giáp, bệnh nặng và một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình mất xương (bisphosphonates), thuốc hóa trị và thuốc ức chế bơm proton để điều trị chứng trào ngược axit...

3. Các yếu tố nguy cơ gây thiếu canxi

Một số người có thể dễ bị thiếu canxi hơn như:

- Thời kỳ mãn kinh: Phụ nữ mất khoảng 1% mật độ khoáng xương mỗi năm sau khi mãn kinh. Để giữ cho xương chắc khỏe sau thời kỳ mãn kinh khi nguy cơ loãng xương tăng lên do nồng độ estrogen thấp hơn, nên bổ sung 1.200 miligam canxi mỗi ngày.

- Người không dùng các sản phẩm từ sữa: Các sản phẩm từ sữa chứa nhiều canxi và bổ sung vitamin D. Những người tránh ăn các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa, phô mai và sữa chua do không dung nạp đường sữa, dị ứng sữa, ăn chay trường và các lý do khác... có nhiều khả năng bị thiếu hụt về việc đáp ứng nhu cầu canxi của cơ thể.

- Suy tuyến cận giáp: Ở những người mắc chứng rối loạn hiếm gặp này, cơ thể sản xuất quá ít hormone tuyến cận giáp, dẫn đến lượng canxi lưu thông thấp.

- Thiếu magiê: Magiê làm cho tuyến cận giáp tiết ra một loại hormone làm tăng nồng độ canxi trong máu khi chúng ở mức thấp. Sự thiếu hụt magiê có thể dẫn đến hạ canxi máu hoặc canxi trong máu thấp. Cơ thể cần từ 310 đến 420 mg magiê mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi.

- Không nhận đủ vitamin D: Vitamin D từ lâu đã được cho là giúp cơ thể hấp thụ canxi. Nó có sẵn thông qua thực phẩm, chất bổ sung và ánh sáng mặt trời, giúp da sản xuất vitamin D. RDA cho vitamin D là 600 đơn vị quốc tế (IU) cho nam và nữ từ 70 tuổi trở xuống và 800 IU cho người lớn trên 70 tuổi.

4. Triệu chứng khi thiếu canxi

Loãng xương, hạ canxi huyết do thiếu canxi: Cách nào nhận biết? - Ảnh 2.

Chuột rút cơ bắp là một trong những biểu hiện của thiếu canxi.

Sự thiếu hụt canxi có thể không có triệu chứng. Ví dụ, bệnh loãng xương có thể diễn ra âm thầm. Bạn có thể không biết mình mắc bệnh này cho đến khi bị gãy xương. Tương tự, dạng thiếu canxi nghiêm trọng nhất là hạ canxi máu, đôi khi có thể không có triệu chứng. Tuy nhiên đến khi nó gây ra các triệu chứng, bạn có thể có:

  • Cảm giác nóng rát hoặc kim châm ở bàn tay và bàn chân
  • Chuột rút cơ bắp
  • Lo lắng quá mức
  • Nhức đầu
  • Co thắt cơ ở bàn tay, bàn chân, cánh tay, chân hoặc mặt
  • Tê hoặc ngứa ran quanh miệng, ngón tay và ngón chân
  • Da khô, thô ráp
  • Rụng tóc loang lổ, chẳng hạn như lông mày mỏng
  • Mệt mỏi
  • Nhịp tim bất thường…

Hãy đi khám nếu có các triệu chứng này. Hạ canxi máu nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương thận, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, vôi hóa não (một loại rối loạn não), đục thủy tinh thể, suy tim sung huyết, co giật, cảm giác nóng rát và kim châm ở bàn tay, bàn chân hoặc hôn mê.

5. Chẩn đoán thiếu canxi như thế nào?

Sự thiếu hụt canxi có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm đo lượng canxi trong máu. Có hai loại:

Tổng xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu này đo lường tất cả lượng canxi trong máu. Có hai loại canxi trong máu là canxi liên kết (canxi được gắn vào protein trong máu) và canxi tự do (còn được gọi là canxi ion hóa, không gắn với protein). Canxi tự do và liên kết thường có với số lượng bằng nhau.

Xét nghiệm canxi ion hóa: Xét nghiệm này chỉ đo lượng canxi tự do trong máu, loại canxi không gắn với protein. Xét nghiệm canxi ion hóa thường được thực hiện nếu kết quả xét nghiệm máu tổng thể không bình thường.

Những xét nghiệm máu này thường chỉ mất vài phút. Để kiểm tra suy tuyến cận giáp, bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu khác để đo phốt pho, magiê và hormone tuyến cận giáp và xét nghiệm nước tiểu.

6. Xử trí thế nào?

Các lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu canxi và nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bác sĩ có thể khuyên những người có triệu chứng nhẹ nên bổ sung canxi/vitamin D. Đối với tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng, có thể cần truyền tĩnh mạch.

Nếu suy tuyến cận giáp gây ra lượng canxi trong máu thấp, có thể cần bổ sung canxi/vitamin D suốt đời. Bác sĩ cũng có thể kê đơn hormone tuyến cận giáp, thuốc tiêm mỗi ngày một lần và các loại thuốc khác để cải thiện mức canxi của cơ thể.

7. Phòng ngừa thiếu canxi

Loãng xương, hạ canxi huyết do thiếu canxi: Cách nào nhận biết? - Ảnh 4.

Một số thực phẩm giàu canxi.

Giảm nguy cơ mất xương bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, bao gồm sữa, phô mai và sữa chua. Các sản phẩm từ sữa ít béo và không béo chứa nhiều canxi và được tăng cường vitamin D, cung cấp khoảng 300 mg canxi mỗi khẩu phần một cốc.

Các nguồn canxi khác bao gồm đậu phụ, ngũ cốc tăng cường, nước cam tăng cường canxi và vitamin D, đậu nành, sữa hạnh nhân, các loại đồ uống tăng cường canxi khác...

Lưu ý:

- Nếu bạn mua đồ uống có bổ sung vi chất, hãy lắc hộp trước khi rót ra để uốn, vì canxi được thêm vào có thể lắng xuống đáy hộp.

- Đọc nhãn và chọn thực phẩm có 20%- 30% canxi giá trị hằng ngày (DV), có nghĩa là thực phẩm chứa 200 đến 300 mg canxi mỗi khẩu phần. Đặt mục tiêu ăn ít nhất ba khẩu phần thực phẩm giàu canxi mỗi ngày.

- Cân nhắc dùng thực phẩm bổ sung canxi/vitamin D nếu bạn không thể nạp đủ từ thức ăn. Để hấp thụ canxi tốt nhất, hãy uống cùng với bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ.

- Hãy coi việc ăn uống đầy đủ canxi như gửi ‘tiền’ vào tài khoản ngân hàng xương của cơ thể. Ở mọi lứa tuổi, chế độ ăn giàu canxi rất quan trọng để giảm nguy cơ thiếu hụt canxi và tối ưu hóa sức khỏe của xương.

Mời độc giả xem thêm video:

Những thực phẩm chứa vi chất dinh dưỡng là 'khắc tinh' của bệnh cúm

DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn