Loãng xương đang gia tăng và trẻ hóa?

24-10-2019 10:41 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Loãng xương là một bệnh lý của xương do sự suy giảm khối lượng chất khoáng trong xương và tổn thương vi cấu trúc của tổ chức xương, làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Loãng xương có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, song hay gặp nhất ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh và nam giới lớn tuổi.

Loãng xương ở nước ta đang gia tăng ở mức báo động

Hiện nay ở nước ta chưa có một điều tra dịch tễ học đầy đủ để xác định chính xác tỷ lệ loãng xương chung cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, tỷ lệ loãng xương trong dân số trên 50 tuổi vào khoảng 20 - 25% ở nam giới và 30 - 40% ở nữ giới.

Theo ước tính, số người mắc bệnh loãng xương ở Việt Nam hiện tại có khoảng 3,2 triệu người, trong đó có hơn 2,4 triệu phụ nữ mắc bệnh loãng xương, có trên 190.000 trường hợp gãy xương do loãng xương, 29.000 trường hợp gãy xương hông và số phụ nữ trên 50 tuổi bị gãy lún đốt sống chiếm khoảng 23%.

Đặc biệt số người loãng xương ở nước ta có xu hướng ngày càng tăng và ngày càng có nhiều phụ nữ được phát hiện loãng xương trong độ tuổi còn khá trẻ. Dự báo ở nước ta sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người bị loãng xương vào năm 2030, trong đó nữ giới chiếm 70 - 80%.

Loãng xương đang gia tăng và trẻ hóa?

Tại sao loãng xương ngày càng trở nên phổ biến?

Tỷ lệ loãng xương của người dân Việt Nam ngày càng gia tăng và trẻ hóa vì những lý do sau đây:

- Loãng xương là bệnh có liên quan chặt chẽ với tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê năm 2010, dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2017 và khi đó tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10% tổng dân số. Sự gia tăng tuổi thọ và sự già hóa của dân số làm cho tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng và như vậy số người bị loãng xương sẽ ngày càng tăng lên.

- Sự thiếu hụt trầm trọng canxi do không cung cấp đủ nhu cầu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày hoặc có thói quen ăn uống không lành mạnh. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẩu phần ăn hiện tại của đa số người Việt Nam ước tính trung bình chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu canxi của cơ thể mỗi ngày. Dinh dưỡng canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn của người Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều do thói quen ăn uống chưa hợp lý, trong đó việc sử dụng nguồn canxi giá trị sinh học cao (sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa) còn hạn chế.

Nguyên nhân gây thiếu canxi còn có thể do hấp thu canxi kém vì không có đủ lượng vitamin D hoặc cơ thể mất quá nhiều canxi qua đường nước tiểu do thói quen ăn uống chưa lành mạnh. Việc sử dụng quá nhiều nước ngọt có ga, lạm dụng cà phê, thuốc lá, thói quen ăn quá mặn, sử dụng quá nhiều rượu bia… có thể làm ảnh hưởng xấu đến hấp thu, thải trừ canxi cũng như chuyển hóa của xương và làm gia tăng nguy cơ loãng xương.

- Sự thiếu hụt vitamin D cũng làm gia tăng tình trạng loãng xương. Theo một số điều tra, tình trạng thiếu vitamin D ở nước ta là khá phổ biến, có tới 1/3 phụ nữ có tình trạng thiếu vitamin D ở mức nặng có thể gây bệnh. Sự thiếu hụt vitamin D ngoài lý do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, còn có thể liên quan đến một số thói quen sinh hoạt không hợp lý như việc đội mũ, che mặt kín, mặc áo chống nắng quá thường xuyên, hay do công việc văn phòng ít ra ngoài, làm hạn chế việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn tới giảm sự tổng hợp vitamin D qua da.

- Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, thói quen sinh hoạt, lối sống của người Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới nguy cơ loãng xương. Tỷ lệ người làm các công việc tĩnh tại, phải ngồi một chỗ, ít vận động, ít ra ngoài trời chẳng hạn như công việc văn phòng ngày càng nhiều, cũng như thói quen lười vận động, tập luyện của nhiều người dân nói chung cũng góp phần làm cho tốc độ mất xương gia tăng.

- Việc sử dụng một số thuốc kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến xương. Đáng lưu ý nhất là hiện nay nhiều người dân, kể cả người trẻ lẫn người lớn tuổi, đang có tình trạng lạm dụng một số thuốc, đặc biệt các thuốc chứa corticoid, để điều trị giảm đau xương khớp và một số bệnh lý khác, dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng trong đó có loãng xương và gãy xương.

- Nguy cơ loãng xương còn liên quan đến mật độ và khối lượng xương lúc còn trẻ.Khối lượng xương phát triển đầy đủ nhất ở tuổi trưởng thành và bắt đầu có xu hướng suy giảm dần từ tuổi 30 - 35 trở đi. Chính vì vậy, ở giai đoạn niên thiếu và tuổi trẻ nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, không hợp lý, thói quen ít vận động thể lực, lạm dụng thuốc và một số chế phẩm sẽ làm cho sự tạo xương không đầy đủ dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương ở độ tuổi lớn hơn, góp phần làm gia tăng tỷ lệ loãng xương.


TS.BS. NGUYỄN ĐÌNH KHOA
Ý kiến của bạn