Loãng xương, ai cần đo mật độ xương?

26-10-2024 19:43 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Loãng xương là một bệnh diễn biến âm thầm, ngày càng có xu hướng gia tăng và trở thành gánh nặng cho y tế cộng đồng. Bệnh có thể làm suy yếu sức mạnh của toàn khung xương, tăng tính dễ gãy của xương và nguy cơ gãy xương.

Ai nên và không nên đo loãng xương?Ai nên và không nên đo loãng xương?

SKĐS - Đo loãng xương nhằm xác định mật độ xương để phòng tránh bệnh loãng xương, kiểm tra sự đáp ứng của việc điều trị loãng xương.

Nguyên nhân làm tăng nguy cơ loãng xương

Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm tăng nguy cơ loãng xương như:

- Phụ nữ sau mãn kinh.

- Sử dụng dài hạn thuốc chống động kinh, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc chống đông và đặc biệt là các thuốc viêm Corticoid.

- Các bệnh mạn tính đường tiêu hóa sẽ làm hạn chế tiếp thu canxi, vitamin D...

- Bất động quá lâu, sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá…

- Bệnh nội tiết: Cường vỏ thượng thận, suy tuyến sinh dục, to viễn cực, cường tuyến cận giáp.

- Bệnh thận: Suy thận mạn.

Triệu chứng của bệnh loãng xương

Loãng xương diễn biến tự nhiên và thầm lặng, triệu chứng lâm sàng xuất hiện muộn khi mật độ xương đã mất khoảng 30%. Người bệnh thường chủ quan cho đến khi có biểu hiện lâm sàng như đau dọc các xương dài, đau cột sống thắt lưng, đau cột sống cổ, mệt mỏi, hay gặp sự cố gãy xương.

Hậu quả của loãng xương là gây gãy xương. Chất lượng cuộc sống sẽ bị suy giảm, nguy cơ bị gãy xương lần thứ hai là rất cao và đặc biệt nguy hiểm, trong đó gãy xương đùi sẽ gây hậu quả nặng nề nhất, làm tăng nguy cơ tử vong, tàn tật và chi phí y tế cao. Mức độ nặng nề của gãy xương trong bệnh loãng xương được xếp tương đương với tai biến mạch vành và tai biến mạch máu não.

Ai cần đo mật độ xương?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội chống loãng xương thế giới, những người trên 50 tuổi, có một trong những yếu tố sau thì nên đo mật độ xương:

- Người bị giảm chiều cao ≥ 3cm (so với độ tuổi 20 - 30).

- Người có cân nặng dưới 40 kg, hay giảm trọng lượng quá nhanh trong thời gian gần đây.

- Thiếu estrogen ở nữ sau khi mãn kinh, cắt buồng trứng. Hoặc thiếu androgen ở nam trên 50 tuổi.

- Người có tiền sử gãy xương: Có cha mẹ hoặc bản thân đã bị gãy cổ xương đùi sau một chấn thương nhẹ ở tầm thấp.

- Tiền sử hoặc hiện tại có dùng corticoid liều bất kỳ liên tục trong thời gian trên 3 tháng.

- Người sử dụng chất kích thích: Uống rượu: ≥ 8g cồn tinh hoặc 375ml bia 60 hoặc 30ml rượu mạnh/ngày; hút thuốc lá ≥ 20 điếu/ngày.

Loãng xương, ai cần đo mật độ xương?- Ảnh 2.

Loãng xương thường diễn biến tự nhiên và thầm lặng.

Cần làm gì khi bị loãng xương?

Mục tiêu cơ bản của dự phòng và điều trị loãng xương là ngăn chặn tình trạng gãy xương. Điều đó có thể đạt được bằng cách tăng cường khối lượng xương trong giai đoạn phát triển xương; ngăn chặn sự mất xương; phục hồi vô cơ hóa xương và cấu trúc xương đã có loãng xương.

Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp.

Các thuốc điều trị loãng xương sẽ giúp tăng mật độ xương bằng cách tăng quá trình tạo xương, ức chế quá trình hủy xương hoặc cả hai. Hiện nay, hầu hết các khuyến cáo điều trị loãng xương đều đề nghị sử dụng nhóm biphosphonate là lựa chọn đầu tiên cho bệnh nhân loãng xương. Trường hợp có chống chỉ định thì dùng các nhóm thuốc khác.

Các biện pháp không dùng thuốc là thay đổi lối sống, một số thói quen sinh hoạt sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng sức khỏe cho bộ xương của mỗi người.

- Tập luyện thể lực, thể thao thường xuyên:

+ Tập chịu đựng sức nặng của cơ thể như đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ…

+ Tập sức mạnh cho cơ: Tập kháng lực, nhấc vật nặng phù hợp với khả năng của từng người nếu không có chống chỉ định.

- Đảm bảo chế độ ăn giàu canxi trong suốt cuộc đời. Nếu cần có thể sử dụng cả thuốc để bổ sung canxi và vitamin D. Tránh sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu, bia, không hút thuốc lá...

Nếu bệnh nhân bị gãy xương, tùy trường hợp mà cần nghỉ ngơi tại giường, chỉnh hình hay can thiệp phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân cần vật lý trị liệu, vận động sớm giúp phục hồi khả năng vận động và cải thiện kết quả điều trị.

Lưu ý người bệnh loãng xương cần tuân thủ điều trị. Kiểm tra định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ, đo lại mật độ xương sau mỗi 1 - 2 năm để đánh giá kết quả điều trị. Bệnh nhân phải được điều trị lâu dài, thường 3 - 5 năm. Sau đó đánh giá lại tổng thể tình trạng bệnh để quyết định phương hướng điều trị tiếp theo.

Tóm lại: Loãng xương là vấn đề hay gặp, có nhiều biện pháp để ngăn chặn nguy cơ tiến triển loãng xương. Trong đó cần chú trọng thay đổi lối sống: Ngưng hút thuốc, hạn chế rượu bia và tăng cường luyện tập thể thao, tránh nguy cơ té ngã và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức lý tưởng. Cần đảm bảo việc cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D qua chế độ ăn hàng ngày. Một số trường hợp có thể cần sử dụng thuốc điều trị loãng xương để phòng ngừa loãng xương. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ, không tự ý dùng thuốc để tránh gây hệ lụy đến sức khỏe.

Để phòng loãng xương cần làm theo cách sauĐể phòng loãng xương cần làm theo cách sau

SKĐS - Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh phát triển chậm, âm thầm cho đến khi bệnh nhân bị gãy xương mặc dù có khi chỉ té ngã nhẹ.

BS CKII Phạm Thị Mỹ
Ý kiến của bạn