Loạn trường “quốc tế” tự phong

16-08-2019 07:27 | Thời sự

SKĐS - Đặt kèm 2 chữ quốc tế vào tên trường đã được nhiều cơ sở giáo dục sử dụng từ lâu, tuy nhiên, chỉ mới gần đây khi vụ việc thương tâm xảy ra tại Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, nhiều người mới giật mình về cái mác trường quốc tế mà nhiều trường đang sử dụng để định danh.

Tiêu chuẩn nào mới được gọi là trường quốc tế, tại sao hiện nay tình trạng trường quốc tế được sử dụng khá tràn lan nhưng không hề có động thái nhắc nhở của cơ quan quản lý nào. Dư luận cho rằng, phải chăng có lỗ hổng trong khâu quản lý của các cấp chính quyền địa phương, thậm chí của chính Bộ Giáo dục & Đào tạo?

Thực tế hiện nay có không ít trường phổ thông xuất hiện với cái tên có gắn thêm 2 chữ quốc tế, nhưng “thật giả lẫn lộn”, nhiều trường chỉ là tự “gắn mác” để thu hút và chiêu sinh. Để các cơ sở giáo dục, trường học tự ý trưng biển quốc tế thu giá dịch vụ “trên trời” thì trách nhiệm thuộc về ai?

Bất ngờ là tâm lý chung của dư luận trước thông tin của người đứng đầu ngành giáo dục quận Cầu Giấy về việc trong địa bàn quận Cầu Giấy không có trường nào là trường quốc tế... Nhiều người lúc này mới vỡ lẽ rằng: không phải cứ có 2 chữ quốc tế là trường đó có môi trường giáo dục chuẩn quốc tế. Dường như việc gắn mác quốc tế vào tên trường hiện nay khá phổ biến, thích thì gắn mác quốc tế. Theo các chuyên gia giáo dục, trường quốc tế phải là dạy theo chương trình của nước ngoài, bằng cấp do nước ngoài cấp, tức là hệ thống song song với hệ thống giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu của thị trường “sính ngoại” dẫn đến nhiều đối tác trong giáo dục lợi dụng điểm này để đặt thêm mác “quốc tế”.

Bên cạnh đó, dư luận cũng rất lo lắng và đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như các Sở, ban, ngành phải có những quy định, yêu cầu cụ thể về các trường, giữa trường công lập và dân lập khác nhau như thế nào, yêu cầu của trường quốc tế chắc chắn phải khác yêu cầu của trường dân lập, số tiền thu trong trường quốc tế bao giờ cũng cao hơn rất nhiều, nếu không có sự quy định rõ ràng, phụ huynh rất dễ trở thành nạn nhân của sự nhập nhằng trong việc thu phí.

Theo quy định nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, Điều 138 BLHS năm 2013 quy định mức phạt tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với doanh nghiệp là 100 triệu đồng. Đối với từng hành vi, sẽ có quy định riêng, xử lý theo việc thành lập trường quốc tế đó có đủ điều kiện hay không sẽ xử phạt theo mức độ, theo quy định. Tuy nhiên dư luận cho rằng, trong thời gian tới, hệ thống giáo dục Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần công khai danh tính của các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để người dân, phụ huynh, học sinh biết được, từ đó có cơ sở để chọn lựa. Trong khi chờ cơ quan chức năng lấp được những lỗ hổng trong khâu quản lý, thì hệ quả trước mắt đó là phụ huynh sẽ lãng phí tiền bạc cho những chuẩn giá trị không xứng đáng và quan trọng hơn là lãng phí sự kỳ vọng vào tương lai của chính con em mình.


Hồng Hải
Ý kiến của bạn