Loạn thuốc trị đái tháo đường trên mạng

15-04-2021 20:56 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Nếu đánh từ khóa “thuốc trị bệnh đái tháo đường” trên google search, chỉ trong vòng 0,49 giây cho ra khoảng 40.800.000 kết quả. Trong đó nổi lên là các trang quảng cáo về các bài thuốc đông y gia truyền điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).

Khó phân biệt thật- giả

Thuốc trị đái tháo đường được quảng cáo trên mạng với đủ loại: Từ cây thuốc, vị thuốc đến bài thuốc trị tiểu đường. Từ thuốc đông y gia truyền đến thuốc xách tay, nhập ngoại từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Giữa "biển" thông tin về thuốc điều trị ĐTĐ trên mạng mà người dùng dễ dàng tìm thấy, cùng với tâm lý mong muốn chữa trị bệnh dứt điểm, không cần uống thuốc tây y nhiều tác dụng phụ... nhiều người bệnh đã tin và mua dùng, bỏ thuốc bác sĩ, khiến bệnh trở nặng, biến chứng khó lường.

Thuốc quảng cáo điều trị ĐTĐ có chứa chất cấm phenformin.

Nguy hiểm hơn, một số thuốc đông y có chứa tân dược như phenformin. Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người nên đã bị cấm sử dụng từ những năm 1970. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường. Nhiều người dùng phải thuốc chứa chất cấm đã phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong.

Cảnh báo từ chuyên gia

TS.BS. Phạm Thúy Hường - Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Nhiễm toan máu do phenformin trên người bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu thường biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ. Đến khi tình trạng nặng dần sẽ có biểu hiện thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, nồng độ acid lactic tăng cao, kèm theo đó là rối loạn tri giác và suy hô hấp. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong, cần phải được điều trị hồi sức tích cực.

Việt Nam và các nước trên thế giới đã cấm lưu hành phenformin từ lâu. Tuy nhiên, hàng năm vẫn ghi nhận các trường hợp nhập viện điều trị và tử vong do ngộ độc phenformin khi người bệnh tự mua uống thuốc nam trị bệnh đái tháo đường.

Tình trạng toan chuyển hóa do phenformin rất nặng, tỷ lệ gây tử vong lên tới hơn 50%. TS Hường cảnh báo. Thế nhưng việc sử dụng trái phép phenformin để sản xuất thuốc điều trị ĐTĐ đang trở nên phức tạp và rất khó kiểm soát, thường được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như: Thuốc viên, thuốc tễ, thuốc hoàn… gia truyền.

Ngoài thuốc nam có trộn phenformin điều trị tiểu đường, một số bệnh nhân còn hy vọng vào việc dùng các loại lá thảo dược để chữa bệnh. Tuy nhiên, theo TS.BS. Phạm Thúy Hường, mặc dù một số thảo dược đã được chứng minh công dụng hỗ trợ điều trị ĐTĐ như dây thìa canh, hoài sơn, câu kỷ tử… Nhưng, các loại thảo dược này chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể thay thế thuốc điều trị ĐTĐ. Việc người bệnh mua thuốc theo mách bảo hoặc mua theo quảng cáo… dẫn đến bệnh khó kiểm soát và khó khăn hơn trong điều trị.

Một số thảo dược có thể hỗ trợ điều trị ĐTĐ nhưng không thay thế được thuốc.

Đến nay chưa có bất kỳ loại thuốc nào, nguồn gốc ở đâu có thể điều trị dứt điểm được bệnh này. Vì vậy, người bệnh ĐTĐ hãy tin tưởng vào phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc theo đúng giai đoạn của bệnh để ngăn ngừa bệnh tiến triển và ngăn ngừa hoặc làm chậm biến chứng do bệnh gây ra.

Hơn nữa, một người có thể mắc nhiều bệnh: Tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cùng lúc (đặc biệt là người cao tuổi), và có thể phải đến nhiều bác sĩ chuyên khoa khác nhau để khám bệnh và điều trị. Nhưng thuốc cũng có tác dụng tương tác với nhau trong cơ thể, hoặc có lợi hoặc sẽ gây hại. Vì vậy, khi một bệnh nhân đang mắc bệnh ĐTĐ, mắc kèm theo một bệnh khác thì điều cần ghi nhớ không bao giờ được quên là phải mang theo các xét nghiệm mới nhất, đơn thuốc đang dùng và nói cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh mình đã và đang mắc phải để bác sĩ cân nhắc khi kê đơn, tránh tương tác bất lợi cho người bệnh.

Bệnh nhân không nên nghe theo lời giới thiệu “ở đâu đó có thầy lang giỏi, bài thuốc hay”… mà tìm đến điều trị. Ngược lại, bác sĩ điều trị bệnh ĐTĐ cũng cần biết các loại thuốc bệnh nhân đang được cho dùng bởi các bác sĩ chuyên khoa khác hoặc thuốc OTC (thuốc không cần kê đơn) để tư vấn cho bệnh nhân xem có xảy ra tương tác bất lợi không, có ảnh hưởng tới đường máu hay thuốc trị bệnh ĐTĐ hiện tại hay không...

Trong quá trình điều trị, nếu xảy ra bất thường (xuất hiện thêm các triệu chứng mới hoặc không kiểm soát được đường huyết...), cần thông báo ngay cho bác sĩ biết để có phương pháp xử lý thích hợp, kịp thời.

TS. Phạm Thúy Hường khuyến cáo: Người bệnh ĐTĐ tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, hay tin những lời quảng cáo trên internet, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần vì có thể thuốc đã được trộn các chất cấm, có hại cho cơ thể. Người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và kiên trì với phác đồ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Thu Hà
Ý kiến của bạn