Loạn thị là một tật khúc xạ (TKX) khá phổ biến, xuất hiện ở gần 30% dân số. Loạn thị có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, loạn đơn thuần hoặc kết hợp với cận thị (loạn cận), hoặc kết hợp với viễn thị (loạn viễn). Loạn thị có các triệu chứng chính: Nhìn mờ hoặc méo mó ở mọi hướng (gần hoặc xa), khó nhìn vào ban đêm, nheo mắt, mỏi mắt hoặc khó chịu, thậm chí nhức mắt, nhức đầu khi nhìn lâu.
Nếu loạn thị cao độ không được phát hiện, điều trị có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng về lâu dài như: Suy giảm thị lực, mỏi mắt và khó chịu, giảm thị lực ban đêm, giảm khả năng nhận thức chiều sâu, mắt lười (nhược thị), lác mắt, tăng nguy cơ mắc bệnh về mắt.
Mục tiêu của việc điều trị loạn thị là cải thiện thị lực khi nhìn và sự thoải mái của mắt. Các phương pháp điều trị chính là đeo kính chỉnh thị hoặc phẫu thuật khúc xạ. Ngoài ra, có thể sử dụng một số thuốc để hỗ trợ, giảm các triệu chứng do loạn thị gây ra.
1. Các thuốc dùng trong loạn thị
Phần lớn nguyên nhân gây loạn thị là do yếu tố bẩm sinh và không thể phòng ngừa. Cho đến nay cũng không có loại thuốc nào có thể điều trị hết loạn thị. Tuy nhiên, khi bị loạn thị có hoặc không kèm theo các tật khúc xạ khác sẽ gây ra một số triệu chứng tiêu cực cho mắt như mệt mỏi và rối loạn điều tiết, nhức đầu, nhức mắt, dễ bị các bệnh mắt khác hoặc làm các bệnh mắt và các tật khúc xạ khác nặng thêm.
Tùy theo mức độ loạn thị, các triệu chứng và nguy cơ bạn gặp phải mà có thể dùng một số thuốc hỗ trợ để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa các triệu chứng kể trên, bao gồm:
1.1. Thuốc chống mỏi và rối loạn điều tiết mắt
Tác dụng: Thuốc được dùng cho người bị loạn thị, giúp giảm đau, nhức, mỏi mắt do loạn thị, tăng cường dưỡng chất cho mắt bao gồm: Sancoba (vitamin B12), sante PC...
Tác dụng phụ: Đau mắt, ngứa, cảm giác khó chịu… Tình trạng này có thể hết sau vài ngày. Nếu triệu chứng kéo dài, hoặc triệu chứng bất thường cần thông báo cho bác sĩ
1.2. Nước mắt nhân tạo
Tác dụng: Các loại nước mắt nhân tạo chống khô mắt và tạo cảm giác dễ chịu khi tiếp xúc màn hình máy tính, điện thoại liên tục.
Tác dụng phụ: Nước mắt nhân tạo có thể gây kích ứng mắt, ngứa mi mắt, xung huyết kết mạc, viêm bờ mi…
1.3. Thuốc bảo vệ võng mạc
Tác dụng: Các thuốc này có khả năng chống quá trình oxy hóa và bảo vệ võng mạc mắt, bao gồm: Vitamin A, ginkgo biloba, zeaxanthin và lutein…
Tác dụng phụ: Dùng các thuốc này theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra. Vitamin A quá liều có thể gây ngộ độc với các triệu chứng vàng da, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn, dị ứng… Ginkgo biloba có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy… Zeaxanthin và lutein có thể gây vàng da nhẹ.
2. Đeo kính điều chỉnh loạn thị
Tác dụng: Kính đeo mắt dùng cho chứng loạn thị là loại kính trụ được thiết kế đặc biệt theo độ loạn và trục loạn thị (không phải kính hội tụ hay phân kỳ để điều trị cận và viễn). Kính có thể chỉ điều chỉnh loạn đơn thuần hoặc phối hợp điều chỉnh loạn và cận, loạn và viễn theo đơn kính. Việc mài lắp kính loạn thị cũng rất quan trọng vì ngoài việc phải đúng độ thì còn phải đúng trục loạn thị mới cho thị lực tốt.
Người bệnh có thể sử dụng kính tiếp xúc (còn gọi là kính áp tròng) để điều chỉnh loạn thị. Về nguyên tắc điều chỉnh loạn thị phải theo trục bị loạn. Tuy nhiên khi chớp mắt trong lúc đeo kính tiếp xúc thì tất cả các điểm tiếp xúc đều xoay, vì vậy phải có thiết kế riêng cho loạn thị gọi là kính toric, kính sẽ trở về cùng một vị trí sau mỗi lần chớp mắt.
Ngày nay, có một loại kính áp tròng đặc biệt để chỉnh hình giác mạc vào ban đêm là kính Ortho-K. Loại kính này rất phù hợp cho lứa tuổi học sinh khi chưa đủ tuổi để phẫu thuật hoặc mắt có chống chỉ định phẫu thuật. Ngoài việc điều chỉnh tật khúc xạ để cho thị lực tốt mỗi ngày, kính còn giúp kiểm soát sự tăng độ của cận và loạn thị.
Lưu ý, khi sử dụng kính tiếp xúc thông thường hoặc kính Ortho-K phải thực hiện đúng các thao tác và tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn, tránh tình trạng mắt bị nhiễm trùng hoặc trầy xước giác mạc khi tháo lắp kính.
3. Các phương pháp phẫu thuật điều chỉnh tật khúc xạ
Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị tật khúc xạ hiện nay là sử dụng tia laser để khắc phục các sai lệch về khúc xạ của mắt. Điều kiện phẫu thuật khi độ khúc xạ mắt đã ổn định, thường là trên 18 tuổi, giác mạc đủ chiều dày tương ứng với độ khúc xạ để phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá và xác định xem bạn có đủ điều kiện để phẫu thuật khúc xạ hay không.
Các loại phẫu thuật khúc xạ cho chứng loạn thị chính bao gồm:
- Phẫu thuật LASIK, PRK: Bác sĩ sẽ tạo một vạt mỏng trên giác mạc, sử dụng tia laser excimer để làm bốc bay một phần nhu mô và tạo hình giác mạc theo đúng số độ khúc xạ của mắt, sau đó, đậy vạt trở lại vị trí ban đầu, nhỏ thuốc chống viêm và kháng sinh.
- Phẫu thuật FEMTO LASIK: Cũng tương tự như LASIK nhưng bác sĩ sẽ cắt tạo vạt bằng loại tia Laser femtosecond đặc biệt, thay vì phải cắt bằng lưỡi dao cơ học như trong phẫu thuật Lasik. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian rút ngắn, chất lượng thị lực cải thiện tốt và tránh được các bất tiện của các phương pháp tạo vạt thông thường.
- Phẫu thuật SMILE Pro / Relex SMILE: Đây là một phẫu thuật ít xâm lấn, bác sĩ sử dụng tia laser Femtosecond để tạo hai đường cắt ngầm trong nhu mô giác mạc, sau đó tạo một đường rạch nhỏ ở vùng rìa để loại bỏ mảnh mô đã cắt theo số độ khúc xạ của người bệnh (lenticule). Ưu điểm của phương pháp này là an toàn vì ít xâm lấn, giác mạc gần như được bảo toàn. Các thiết bị công nghệ mới hiện nay cho phép rút ngắn thời gian thực hiện phẫu thuật cho mỗi mắt chỉ còn chưa đầy 10 giây.
Những trường hợp giác mạc mỏng, giác mạc hình chóp, độ khúc xạ cao không cho phép thực hiện phẫu thuật trên bề mặt giác mạc bằng laser, thường lựa chọn phương pháp đặt thấu kính nội nhãn hay còn gọi là phương pháp PHAKIC - ICL. Trong phương pháp này, một thấu kính được cấy ghép vào mắt qua một đường rạch giác mạc nhỏ mà không cần loại bỏ phần tổ chức nhu mô nào của giác mạc. Phẫu thuật an toàn và cho kết quả lâu dài đối với hầu hết các chứng loạn thị.
4. Lưu ý khi điều trị loạn thị
- Tuân thủ nghiêm ngặt lịch dùng thuốc theo toa, bao gồm cả thuốc nhỏ mắt kháng viêm và kháng sinh, để kiểm soát cơn đau và ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Đeo kính râm vào ban ngày và sử dụng kính bảo vệ mắt vào ban đêm để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mạnh và các tác nhân gây kích ứng tiềm ẩn.
- Cho mắt nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi tối ưu.
- Tránh các hoạt động gắng sức và ưu tiên ngủ ngon vào ban đêm trong thời gian phục hồi ban đầu;
- Giảm thiểu thời gian sử dụng màn hình để giảm mỏi mắt.
- Hạn chế tiếp xúc với máy tính và các thiết bị để hỗ trợ quá trình phục hồi.
- Duy trì đủ nước và ăn chế độ ăn cân bằng giàu vitamin, chất dinh dưỡng để hỗ trợ sức khỏe mắt nói chung và phục hồi sau phẫu thuật.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cẩn trọng: Thời tiết cực đoan gây bệnh cho mắt | SKĐS