Loạn thị: Ai dễ mắc? Có phòng tránh được không?

18-07-2022 14:48 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Loạn thị là một loại tật khúc xạ khá phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh có thể xảy ra kết hợp với cận thị hoặc viễn thị. Loạn thị tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra những bất tiện, khó khăn trong cuộc sống.

1. Loạn thị là gì?

Loạn thị là một tật khúc xạ mắt rất thường gặp, xảy ra khi hình ảnh quan sát sau khi đi vào mắt không thể hội tụ ở võng mạc, khiến mắt bị mờ.

Bình thường, bề mặt giác mạc có hình cầu. Khi bị loạn thị, giác mạc có độ cong không đều làm hình ảnh của vật hội tụ thành nhiều đường tiêu trên võng mạc dẫn đến nhìn mờ nhòe, biến dạng hình ảnh.

Có nhiều loại loạn thị tùy thuộc vào phối hợp của loạn thị với cận thị và viễn thị: loạn cận đơn thuần, loạn cận kép, loạn viễn đơn thuần, loạn viễn kép, loạn thị hỗn hợp…

2. Triệu chứng bệnh loạn thị

Tùy thuộc vào loại loạn thị và mức độ loạn thị mà gây ảnh hưởng khác nhau đến chức năng thị giác. Tuy nhiên loạn thị thường có triệu chứng:

  • Người bệnh cảm giác mắt mờ, nhìn hình ảnh bị mờ, nhòe hoặc méo mó.
  • Tầm nhìn đôi, nhìn một vật có hai hoặc ba bóng mờ.
  • Gặp khó khăn khi nhìn ở mọi khoảng cách.
  • Có thể có một số dấu hiệu kèm theo khác như nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, đau đầu, đau cổ, đau vai gáy…

3. Ai dễ bị loạn thị?

Loạn thị có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả trẻ em và người trưởng thành. Tuy nhiên, loạn thị có nguy cơ cao ở những người:

  • Tiền sử gia đình có người bị loạn thị hoặc có các rối loạn ở mắt.
  • Tổn thương sẹo giác mạc.
  • Bị cận thị hoặc viễn thị quá nặng.
  • Tiền sử chấn thương mắt, phẫu thuật đục thủy tinh thể.
  • Tuổi tác: Người cao tuổi thường có nguy cơ mắc tật loạn thị cao hơn người trẻ.

Bên cạnh đó, mắt tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại nói riêng và các thiết bị điện tử nói chung trong khoảng thời gian dài cũng rất dễ suy giảm chức năng, mắc tật khúc xạ.

photo-1657849650052

Ảnh minh hoạ.

4. Nguyên nhân gây loạn thị

Hầu hết loạn thị xảy ra từ sớm nên nguyên nhân loạn thị thường không được biết rõ. Một số trường hợp khác xảy ra sau chấn thương mắt, mắc bệnh về mắt hoặc phẫu thuật.

Ngoài ra, còn có thể gặp một nguyên nhân khác hiếm gặp hơn khi bị giác mạc hình chóp (keratoconus). Bệnh có thể gây loạn thị là do làm cho giác mạc mỏng hơn và có hình nón thay vì hình cầu như bình thường.

5. Chẩn đoán loạn thị

Thăm khám mắt kỹ lưỡng dựa trên những dấu hiệu lâm sàng và toàn diện sẽ giúp các bác sĩ xác định được tật loạn thị cũng như phát hiện ra các vấn đề khác. Bác sĩ có thể chỉ định một số kiểm tra thị lực bằng bảng đo thị lực, đo độ cong giác mạc, kiểm tra khúc xạ, bản đồ giác mạc…

Vì loạn thị thường xảy ra chậm trong thời gian dài, diễn biến khá âm thầm nên bệnh nhân thường bỏ qua các triệu chứng của bệnh. Do đó, hãy đến bệnh viện kiểm tra mắt ngay nếu thấy có bất kỳ sự thay đổi bất thường nào về thị lực.

6. Điều trị bệnh loạn thị

Trong trường hợp nhẹ, bệnh loạn thị có thể không cần điều trị. Trường hợp nặng, cần phải điều trị để tránh bệnh diễn biến nặng hoặc gây ra nhược thị.

- Đeo kính thuốc: điều chỉnh bằng kính thuốc. Đây là biện pháp đơn giản, được các bác sĩ áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao, ít để lại biến chứng. Bệnh nhân nên tìm hiểu và đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn

- Phẫu thuật: một số trường hợp bị loạn thị nặng và đeo kính thuốc không đạt kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Đây là phương pháp sử dụng tia laser hoặc dao vi phẫu để định hình lại giác mạc vĩnh viễn.

- Sử dụng kính áp tròng cứng: được thiết kế đặc biệt đeo vào ban đêm nhằm làm thay đổi tạm thời hình dáng của giác mạc trong khi ngủ, giúp mắt có thể nhìn rõ vào sáng hôm sau và duy trì tình trạng này suốt cả ngày.

Loạn thị nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 3.

Cần cho mắt nghỉ ngơi hợp lý để phòng bệnh.

7. Bệnh có phòng tránh được không?

Nếu là loạn thị do di truyền, bẩm sinh thì không thể phòng tránh. Tuy nhiên các nguyên nhân còn lại có thể được phòng ngừa bằng cách:

  • Đề phòng, tránh các tổn thương mắt.
  • Làm việc và học tập ở nơi có ánh sáng đầy đủ.
  • Tránh nơi quá tối hoặc phải đeo kính bảo vệ mắt khi làm việc với nguồn sáng quá mạnh và chói.
  • Cho mắt nghỉ ngơi khi làm việc trước máy tính, đọc sách hay các công việc tỉ mỉ khác.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý về mắt (nếu có) tránh gây biến chứng loạn thị.
  • Ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho mắt như cá hoặc thức ăn giàu vitamin A có trong các loại quả màu đỏ như: gấc, cà rốt, cà chua,…
Tránh nhầm lẫn cận loạn thị với bệnh giác mạc chópTránh nhầm lẫn cận loạn thị với bệnh giác mạc chóp

SKĐS - Bệnh giác mạc hình chóp là một loại bệnh lý thường khởi phát ở độ tuổi thanh thiếu niên và có tốc độ tiến triển rất khác nhau tùy theo từng người. Bệnh hay bị nhầm lẫn với loạn cận thị hoặc nhược thị và dễ bị phát hiện muộn dẫn tới sẹo giác mạc.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Cách Dùng Nha Đam Làm Đẹp Da Mà Không Bị Ngứa | SKĐS

BS. Minh Châu
Ý kiến của bạn