Loạn cúng sao giải hạn, “hối lộ” thần linh

09-02-2014 09:47 | Thời sự
google news

Bây giờ thì không phải là hiện tượng nữa rồi, mà là mốt, là phong tục, một phong tục nhiều ý kiến trái chiều.

 Bây giờ thì không phải là hiện tượng nữa rồi, mà là mốt, là phong tục, một phong tục nhiều ý kiến trái chiều. Có người coi là một phong tục tâm linh truyền thống, nhưng cũng không ít người gọi là tệ nạn. Đó là phong trào cúng sao giải hạn đầu năm. Thì đây, những ngày Tết ấm cúng cùng gia đình chưa qua, tại các đô thị lớn, hàng nghìn người, đúng hơn là hàng vạn người, từ già đến trẻ đã ùn ùn kéo đến chùa chiền, điện phủ đăng ký “dâng sao giải hạn”... Vào những ngày đầu năm, đáng lẽ phải dành thời gian cho những công việc quan trọng, người ta đã quẳng tiền bạc và thời gian vào những khóa lễ với những lễ vật trĩu nặng mong cho thế giới thần linh cất bớt gian khó, cho nhiều thuận lợi. Cúng sao cứ như đi hối lộ, cứ như thỏa thuận hợp đồng kinh tế. 

Cả thiên hạ đi cúng sao

Không khó để thấy ở tất cả các chùa, đền, phủ, miếu vào những ngày sau Tết cổ truyền đều có đặt những bàn đăng ký dâng sao giải hạn. Có những chùa lớn có tiếng linh thiêng như chùa Phúc Khánh thì con nhang đệ tử vẫn phải chen chúc xếp hàng đăng ký. Không chỉ đăng ký, không ít chùa đền còn sẵn sàng bán cho các đệ tử những cuốn sách, những tài liệu mà nơi xuất bản không ai biết. Đó là những cuốn lịch tra cứu những điều huyền diệu, những sách tử vi, bói toán, những sách hướng dẫn thể thức hành lễ cúng sao giải hạn với những tai ương cũng như những điềm lành mà các sao, các vị thần chủ các ngôi sao có thể đem đến cho con người. Và dĩ nhiên những tai ương đều có thể tan đi nếu chịu khó cúng sao giải hạn. Và dĩ nhiên nếu muốn cúng sao giải hạn, ngoài lễ vật, các thân chủ phải bỏ tiền, chùa vắng thì 70.000-80.000 đồng, chùa đông đệ tử phải đến 200.000 đồng, thậm chí còn cao hơn nữa. Mà nhà chùa không có làm lễ cúng sao cho 1 người, đã làm là cúng cả mẻ, khoảng tầm 200 thí chủ cho một khóa lễ. Còn nếu muốn đến nhà làm lễ? Được thôi, tùy tâm thí thủ, nhưng nếu chưa đủ thì… còn khuya thầy mới đến làm lễ cho.

Chùa Phúc Khánh (Tây Sơn, Đống Đa), ngôi chùa vốn nổi tiếng về việc làm lễ cầu an và cúng sao giải hạn, trong những ngày đầu xuân lúc nào cũng đông nghìn nghịt người. Sân chùa không đủ chứa xe, người dân quanh đó “khoanh vùng” luôn một dãy phố Tây Sơn, trưng biển trông giữ xe máy dài cả cây số. Không chỉ chùa Phúc Khánh, đền Trấn Vũ, chùa Trấn Quốc cũng tấp nập phật tử thập phương đến lễ bái. Tại Phủ Tây Hồ vào chiều mùng 6 Tết rất khó tìm một chỗ đứng trong chính điện để làm lễ. Hàng trăm người đứng tràn ra cả sân để dâng hương, hoa và lễ vật cầu tài, cầu lộc đầu xuân. Có những chùa người dự lễ dâng sao giải hạn đứng tràn cả ra đường, làm tắc cả một đoạn phố, nhà chùa làm lễ phải bắc loa ra đường để các thân chủ nghe được thầy chủ lễ xướng tên mình, tên thân nhân mình trong danh sách dài dặc những người dâng sao giải hạn. Có người chờ lâu quá, ngủ gật, xướng đến tên mình không nghe, sau lễ, thắc mắc ầm ĩ. Có nhiều người bỏ ra hàng triệu đồng để “dâng sao giải hạn” cho cả gia đình. Một số cơ quan, doanh nghiệp mời thầy cúng về “giải hạn” ngay tại cơ quan với chi phí lên tới cả hàng chục triệu đồng, ảnh hưởng đến tâm lý và công việc của cán bộ, công nhân viên và người lao động. Và sau lễ là nghi ngút lửa khói hóa vàng hóa sớ, hóa đồ lễ dâng cúng, nhiều khi cả hình nhân thế mạng. Dịp lễ cúng sao giải hạn hàng năm đã “nuốt” của các gia đình, cơ quan hàng chục tỷ đồng một cách ngoạn mục.

Nhưng vấn đề quan trọng là người đi cúng sao giải hạn hầu như không biết mấy về ý nghĩa của cúng sao giải hạn, thậm chí các thầy cũng ngu ngơ về cái lễ đang kéo cả thiên hạ đến các đền chùa. Bằng cớ là chính các vị cao tăng, các đạo sĩ cũng còn đang tranh cãi ầm ĩ trên Internet về nghi lễ cúng sao giải hạn.

Vậy cúng sao giải hạn là gì?

Trước tiên phải khẳng định, cả quan niệm và nghi thức cúng sao giải hạn là của đạo Thánh, vì vậy trước đây, nghi lễ này thường được tiến hành tại đền miếu, phủ hoặc ở ngã ba các đường lớn. Quan niệm của đạo Thánh là trên trời, trong cõi linh thiêng có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao  La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. 9 vì sao này hay còn gọi là Cửu Diệu là các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu.

Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng. Nặng nhất là “Nam La Hầu, nữ Kế Đô” là loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời. Vì vậy mỗi năm gặp các sao tốt phải cúng đón các vị, nếu gặp sao xấu phải cúng lễ để các vị hung tinh bớt tác oai tác quái. Theo lệ cũ, cúng sao giải hạn nên cúng hàng tháng theo ngày, mỗi sao có ngày vọng riêng biệt, có đồ cúng lễ khác nhau. Bởi theo quan niệm dân gian thì 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, từ đó hình thành tục dâng sao giải hạn vào các ngày như sau: Sao Thái Dương: Ngày 27 âm lịch hàng tháng. Sao Thái Âm: Ngày 26 âm lịch hàng tháng. Sao Mộc Đức: Ngày 25 âm lịch hàng tháng. Sao Vân Hớn (hoặc Văn Hán): Ngày 29 âm lịch hàng tháng. Sao Thổ Tú: Ngày 19 âm lịch hàng tháng. Sao Thái Bạch: Ngày 15 âm lịch hàng tháng. Sao Thủy Diệu: Ngày 21 âm lịch hàng tháng. Sao La Hầu: Ngày 8 âm lịch hàng tháng. Sao Kế Đô: Ngày 18 âm lịch hàng tháng. Lễ được tiến hành thường kỳ vào những ngày nhất định của các tháng trong năm, người ta thường làm lễ dâng, sắm đủ phẩm lễ: bông hoa, trái cây, đủ số lượng chun nước và nến, tùy theo mỗi sao cần nghinh tiễn. Bài vị được thiết lập trên giấy, có màu tương ứng với ngũ hành của từng sao. Cũng không hiểu tại sao mấy năm nay thiên hạ lại đổ dồn vào chùa, nơi thờ Phật để làm lễ cúng sao giải hạn.

Đức Phật không nói về những ngôi sao chiếu mạng

Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, trụ trì Tổ đình Tường Vân - Huế, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh - TP. HCM đã nói rõ: Trong các nghi lễ Phật giáo được quy định, không có lễ cúng sao giải hạn. Đầu năm các Phật tử đến chùa chỉ có một lễ là lễ cầu an. Về giáo lý, Đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, Ngài chỉ dạy chúng ta về luật nhân quả: “Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”. Gieo nhân nào thì gặt quả đó, thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước. Tất cả đều do tâm, khẩu và ý của con người tạo ra, nhân duyên xấu do chúng ta tạo tất sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt. Sở dĩ trong nhà chùa có làm lễ cầu an đầu năm cho Phật tử với mong ước gia đình quý Phật tử được an lạc hạnh phúc, nhưng khi làm lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn.

Nghi lễ cầu an trong chùa hoàn toàn khác với nghi lễ cúng sao giải hạn trong các cơ sở thờ tự của đạo Thánh. Cầu an là một công việc rất hữu ích vì đó cũng là phương tiện dẫn dắt con người đến chùa trì tụng những gì đức Phật dạy để thực hành, khi tụng: thân, miệng, ý thanh tịnh và đưa lời dạy của Thế Tôn vào sâu trong tâm khảm để hành trì theo lời dạy đó. Người cầu an phải đến chùa cùng tụng niệm, cùng nhất tâm hướng thiện. Còn cầu an mà chỉ ghi danh rồi giao phó cho nhà chùa cứ đọc tên thì chẳng có lợi gì. Trong kinh Địa Tạng đức Phật dạy, tụng kinh hay làm bất cứ một việc gì để hồi hướng cho người thân (đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh) thì người được hướng đến chỉ nhận được 30% còn người xướng lên làm hoặc đang tụng niệm đó hưởng phước đến 70%. Cho nên khi cầu an hay cầu siêu đòi hỏi người nhà phải có mặt cùng cầu nguyện để mong sự hữu ích và thiết thực hơn.

Nói cho đúng, nghi lễ cúng sao giải hạn từ một nghi lễ đạo Thánh đã được Phật giáo Mật tông tiếp thu một phần và biến thành lễ nghi Dược Sư Nhương Tinh Giải Hạn với quan niệm Thập Nhị cung, Cửu Diệu, Thất Tinh đều là danh hiệu cũng như hóa thân của chư Phật và Bồ Tát để cứu giúp chúng sanh khỏi tai ách. Tuy nhiên với nền tảng Phật giáo của chúng ta, những nghi lễ đó chưa được xem là phù hợp.

Dâng sao giải hạn như trên đã nói không có trong giáo lý nhà Phật đó là tập tục truyền thống của dân gian. Nhưng các chùa tùy vào căn cơ của mỗi chúng sanh và để hướng dẫn Phật tử đến chùa tu tập nên việc đó được coi như là một phương tiện để độ chúng sanh. Cầu an hay cầu siêu cũng thế thôi để giúp người an tâm hơn, yên trí để lo tu tập và làm việc, vì có nhiều người nghe sao hạn xấu lại lo sợ, buồn bã, chán nản... và không làm được gì cả hoặc sống một cách bi quan vì tôi làm gì tôi cũng bị như thế. Nên đó là một phương tiện nếu có thể làm để người ta yên tâm thì làm chứ đừng vì mục đích gì khác.

Đừng chết vì mê tín dị đoan

Những người làm lễ cúng sao giải hạn thường nghĩ đơn giản, cúng một ít lễ vật, mất một ít tiền để mua sự bình an mà không hiểu đó giống như mất một ít tiền hối lộ cho các thần linh để mua sự may mắn. Và cũng vì những lý ấy, họ đã biến các thầy cúng thành kẻ môi giới hối lộ, họ làm cho dịch vụ cúng sao nở rộ khắp mọi nơi, đặc biệt là các điện thờ tự mở của các cô đồng bà cốt thì dịp đầu năm được gọi là mùa làm ăn hốt bạc. Các thầy, những người còn đang tu học, tự lo cho mình còn chưa xong nhưng lại mặc nhiên mạo nhận địa vị trung gian giữa con người và thần thánh để nhận trách nhiệm cúng cho bá tánh được tiêu tai tăng phước, buôn thần bán thánh y như gian thương chuyên đút lót, mua quan bán tước. Hiện ở nhiều điện phủ tư nhân, các thầy cúng tự xưng đã dựa vào tâm lý lo lắng, sợ hãi, mê tín nhẹ dạ của người bình dân để trục lợi, nên bày ra đủ trò. Hết mang sao xấu ra hù dọa để người ta nhờ họ cúng sao giải hạn, đến cúng sao tốt để tăng phước, nào là hái lộc đầu xuân, xin xăm bói toán, cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết, nào là tụng kinh cho linh hồn, kêu gọi đóng tiền công đức, đúc tượng… Tất cả đều là những kiểu kinh doanh lừa bịp như kiểu bán vé vào Thiên Đàng mà giá vé đắt rẻ gì cũng bán.

Những ai nói cúng sao là một tập tục văn hóa tốt, là nét truyền thống người Việt, hay có những lý lẽ này khác để bênh vực cho việc cúng sao đều là ngụy biện cho sự đầu hàng mê tín dị đoan.

 


Ý kiến của bạn