Hầu hết 28 quốc gia kể trên đều đã thành lập Hội đồng quốc gia về loại trừ bệnh viêm gan virut (với kế hoạch và mục tiêu cụ thể) và hơn một nửa số nước đã cấp kinh phí cho những hoạt động hướng tới mục tiêu trên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước tiếp tục chuyển những cam kết của họ thành các hoạt động tăng cường để loại bỏ hoàn toàn bệnh viêm gan virut. WHO đã đưa ra một phương pháp điều trị chung mới cùng với việc lập danh sách các loại thuốc điều trị viêm gan virut C đã được thông qua trước đó, giúp các nước tăng khả năng tiếp cận điều trị và đẩy mạnh các biện pháp dự phòng thông qua tiêm chủng an toàn: một nhân tố then chốt để giảm lây truyền viêm gan virut B và C.
Việt Nam nằm trong 28 quốc gia có gánh nặng bệnh tật từ Viêm gan virut cao nhất trên thế giới.
Từ cam kết đến hành động
Tổng giám đốc WHO - TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Thật đáng khích lệ khi nhìn thấy sự chuyển biến của nhiều quốc gia trong nỗ lực chuyển các cam kết thành hành động. Và những hành động can thiệp này sẽ là chìa khóa ảnh hưởng rất tích cực hướng đến loại trừ bệnh viêm gan virut. Ở nhiều nước đã thành công trong việc tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan virut. Bây giờ, chúng ta sẽ cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị”.
Dữ liệu mới của WHO cũng cho thấy hơn 86% các nước đã thiết lập mục tiêu quốc gia về loại trừ bệnh viêm gan và hơn 70% các nước đã bắt đầu phát triển các kế hoạch để có thể tiếp cận với việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Xa hơn, gần 50% các nước cũng đang kỳ vọng loại trừ viêm gan thông qua việc cung cấp khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với liệu pháp điều trị bệnh. Nhưng WHO đang rất quan tâm đến việc các nước này cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hơn nữa.
TS. Gottfried Hirnschall - Giám đốc Văn phòng HIV và Chương trình viêm gan toàn cầu cho biết: “Hành động nhiều quốc gia hướng tới loại trừ viêm gan đang tăng lên nhưng ngay cả ở các quốc gia thực hiện tốt nhất cũng chỉ là 1 trong 10 người mắc viêm gan được biết tình trạng bệnh của họ và có thể tiếp cận điều trị bệnh. Đây là điều không thể chấp nhận được”.
Để kết quả loại trừ bệnh viêm gan virut đi vào thực chất, các quốc gia cần đẩy mạnh nỗ lực và tăng cường đầu tư vào chăm sóc người bệnh bởi vì rất nhiều người mắc bệnh trong cộng đồng nhưng chưa được xét nghiệm và dẫn tới không thể điều trị sớm”.
Theo thống kê năm 2015, viêm gan virut ảnh hưởng khoảng 325 triệu người, với 257 triệu người mắc viêm gan B và 71 triệu người mắc viêm gan C - hai typ có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các typ viêm gan virut.
Tăng cường tiếp cận điều trị viêm gan virut C
Bệnh viêm gan C có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng việc sử dụng thuốc kháng virut trực tiếp (DDAs) trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, cho đến năm 2015, mới chỉ có khoảng 7% trong số 71 triệu người mắc viêm gan C mạn tính đã được điều trị.
Tổ chức Y tế Thế giới đang tiếp tục làm việc để bảo đảm thuốc DDAs tiếp cận được với các bệnh nhân. Giá thuốc sẽ được giảm xuống nhanh ở một số nước (nước có gánh nặng bệnh viêm gan lớn hoặc có thu nhập thấp và trung bình). Danh sách các thuốc DDAs cho điều trị viêm gan C ở các nước đang tiếp tục được cập nhật.
WHO cũng đã mới thông qua một trong các thuốc trong khuyến cáo điều trị chung ban đầu: Sofosbuvir. Giá trung bình hiện nay của một liệu trình điều trị chung này trong 3 tháng là khoảng từ 260 - 280 đô la, đây là một mức giá rất ưu đãi nếu so với thời điểm các loại thuốc này được đưa ra thị trường lần đầu tiên vào năm 2013. Sự thông qua của WHO đảm bảo một sản phẩm chất lượng, an toàn và hiệu quả và điều đó có nghĩa là nó có thể được mua bởi các tổ chức quốc tế (UNs) và các đơn vị tài chính như UNITAID, nó bao gồm các loại thuốc điều trị đồng nhiễm HIV và viêm gan C.
Điều trị viêm gan virut B
Với tỷ lệ mắc và tử vong cao trên toàn cầu, sự quan tâm lớn cũng đang được dồn vào để phát triển các phương pháp điều trị mới bệnh viêm gan virut B mạn tính. Trong khi hiện nay, thuốc hiệu quả nhất điều trị viêm gan B mạn tính là Tenofovir (có thể kiểm soát giảm số lượng virut viêm gan B trong cơ thể nhưng không thể chữa khỏi hẳn bệnh, trong nhiều trường hợp phải điều trị suốt đời) khá sẵn có với mức giá thấp 48 đô la/năm ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Nó cũng là một nhu cầu bức thiết để mở rộng xét nghiệm sàng lọc bệnh viêm gan B.
Cải thiện an toàn tiêm truyền để giảm số ca mới mắc
Việc sử dụng các thiết bị tiêm truyền không an toàn trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe chiếm một số lượng không nhỏ các ca bệnh viêm gan B, C mắc mới trên thế giới. Chính vì vậy chiến lược an toàn tiêm truyền là vô cùng quan trọng. Sự phòng chống lây truyền còn thông qua an toàn trong các thủ thuật xâm lấn như phẫu thuật hoặc chăm sóc răng miệng; tăng tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin viêm gan B và mở rộng chương trình giảm thiểu tác hại cho người nghiện hút, tiêm chích ma túy.