Hoàng Thị Hải (Hà Nội)
Những chứng bệnh thông thường như đau đầu, cảm cúm, sổ mũi, ngạt mũi, đau xương khớp, mình mẩy... rất thường gặp và cần phải dùng đến thuốc. Nhiều thuốc trị các triệu chứng này không cần phải kê đơn (thuốc OTC), nhưng người bệnh tăng huyết áp phải rất thận trọng khi dùng.
Thuốc nhóm co mạch trị nghẹt mũi: Nhóm thuốc này có thể dùng theo đường tại chỗ (nhỏ, xịt) như naphazolin, oxymetazolin hay toàn thân (uống) như pseudoephedrine, phenylephrine... Do có tác dụng co mạch nên thuốc có thể gây tăng huyết áp.
Nhóm chống viêm không steroid (NSAID): Được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp đau, viêm, đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh về xương khớp. Do có tác dụng đối kháng với các thuốc trị tăng huyết áp, trong đó có amlodipine (sự đối kháng này phụ thuộc vào liều và thời gian dùng thuốc) nên làm giảm tác dụng, hiệu quả điều trị của thuốc huyết áp và giảm hiệu quả dự phòng của các biến cố tim mạch do không kiểm soát được huyết áp.
Dạng thuốc viên sủi: Trên thị trường có một số thuốc được sản xuất dưới dạng viên sủi (pha viên thuốc và nước cho tan hết mới uống. Trong quá trình tan có hiện tượng sủi bọt). Các sản phẩm này có thể là thuốc hay thực phẩm chức năng và có thể mua không cần đơn như: Viên sủi chứa vitamin C, chứa đa vitamin, viên sủi dùng hạ sốt... Tuy nhiên, trong thành phần của các sản phẩm này có chứa muối và sẽ gây tăng huyết áp đối với người có sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối. Vì vậy, đối với người bệnh tăng huyết áp, không nên dùng dạng viên sủi.
Để an toàn trong dùng thuốc, đối với những người tăng huyết áp nói riêng và những người mắc bệnh mạn tính nói chung cần rất thận trọng khi dùng thuốc. Tốt nhất khi có vấn đề về sức khỏe, cần đi khám và nói rõ thực trạng bệnh tật và các thuốc đang dùng, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn tránh các tương tác bất lợi giữa thuốc và bệnh (vì thuốc có thể làm trầm trọng thêm bệnh do tác dụng phụ của thuốc) hoặc giữa thuốc với thuốc.