Hà Nội

Loại quả có màu đỏ ngon và tốt cho sức khỏe nhưng người sốt xuất huyết nên hạn chế ăn

SKĐS - Người bệnh sốt xuất huyết nên tăng cường các loại trái cây giàu vitamin, tuy nhiên có một số loại củ quả, người bệnh nên hạn chế ăn để tránh nhầm lẫn hoặc bỏ sót dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa.

Loại quả ngon và tốt cho sức khỏe nhưng người sốt xuất huyết không nên ăn - Ảnh 1.

Thanh long đỏ chứa nhiều dinh dưỡng nhưng người đang mắc bệnh sốt xuất huyết nên hạn chế ăn.

Thanh long đỏ là một loại quả ngon, mát, nhiều chất dinh dưỡng nhưng người bệnh sốt xuất huyết nên hạn chế ăn khi đang bị bệnh để tránh tình huống nhầm lẫn vì người bệnh nếu ăn nhiều thanh long đỏ có thể nôn hoặc tiêu, tiểu ra màu đỏ.

Dinh dưỡng của quả thanh long

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), quả thanh long có một số chất dinh dưỡng và vitamin như vitamin A, vitamin C, canxi, sắt, magie... đồng thời cung cấp chất chống oxy hóa có khả năng chống lại bệnh tật.

Trong một khẩu phần khoảng 180g thanh long, bao gồm:

  • Lượng calo: 102
  • Chất béo : 0 gram
  • Chất đạm : 2 gam
  • Carbohydrate: 22 gram
  • Chất xơ: 5 gam
  • Đường: 13 gram

Lợi ích sức khỏe của thanh long

Thanh long có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, bao gồm:

Giàu chất chống oxy hóa như flavonoid, axit phenolic và betacyanin. Các chất tự nhiên này bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do - những phân tử có thể dẫn đến các bệnh như ung thư và lão hóa sớm. Trong thanh long không chứa chất béo và giàu chất xơ, có thể giúp giảm lượng đường trong máu.

Quả thanh long chứa prebiotics, là thực phẩm cung cấp vi khuẩn lành mạnh được gọi là probiotics trong ruột. Có nhiều prebiotics hơn trong hệ thống tiêu hóa có thể cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn tốt đến xấu trong đường ruột của bạn. Cụ thể, thanh long khuyến khích sự phát triển của probiotics lactobacilli và bifidobacteria. Những vi khuẩn này và các vi khuẩn hữu ích khác có thể tiêu diệt virus và vi khuẩn gây bệnh đồng thời giúp tiêu hóa thức ăn.

Thanh long chứa nhiều vitamin C và các chất chống oxy hóa khác, rất tốt cho hệ miễn dịch của bạn. Ngoài ra, trong quả thanh long có chứa sắt là chất rất quan trọng để vận chuyển oxy trong cơ thể và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vitamin C trong thanh long giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng chất sắt.

Loại quả ngon và tốt cho sức khỏe nhưng người sốt xuất huyết không nên ăn - Ảnh 2.

Người bệnh sốt xuất huyết nên hạn chế những thực phẩm sẫm màu như cà phê, sô cô la hay thanh long đỏ.

Vì sao người bệnh sốt xuất huyết không nên ăn quả thanh long đỏ?

Ăn quả thanh long đỏ hay trắng nói chung là an toàn với đa số mọi người, mặc dù cũng có các nghiên cứu báo cáo các phản ứng dị ứng riêng biệt. Các triệu chứng đã được ghi nhận bao gồm sưng lưỡi, phát ban và nôn mửa sau khi ăn nhưng loại phản ứng này cực kỳ hiếm gặp.

Nếu bạn ăn quá nhiều thanh long đỏ, nó có thể khiến nước tiểu, phân của bạn có màu hồng hoặc đỏ. Điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu bạn ăn nhiều củ dền. Tuy nhiên, nước tiểu, phân sẽ trở lại màu sắc bình thường sau khi bài tiết hết thực phẩm này.

Thanh long đỏ làm cho phân, nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu đỏ nếu bạn ăn nhiều, đó là do các sắc tố đỏ trong thanh long được gọi là betalain - thường được phân hủy trong dạ dày và ruột kết. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh, điều này có thể xảy ra khi nồng độ axit oxalic cao, làm phân có màu đỏ. Tuy nhiên, điều gì xảy ra chính xác thì chưa có nghiên cứu rõ ràng, nhưng điều này là không có hại.

Kết quả nghiên cứu "Phân tích hàm lượng betalain và mức độ biểu hiện của gen tham gia vào quá trình tổng hợp betalain trên các giống thanh long" do Phòng Quản lý nguồn gen và an toàn sinh học, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cung cấp cho biết: mẫu thanh long với màu đỏ, đỏ hồng, đỏ nâu và thịt quả đỏ tím, tím hồng có hàm lượng betalin cao hơn các mẫu có vỏ vàng và thịt quả trắng.

Theo ThS.BSCKII. Hà Phan Thắng, người bệnh sốt xuất huyết cần được chăm sóc dinh dưỡng tốt, ăn uống đủ chất trong quá trình điều trị và phục hồi. Tuy nhiên, có một số thực phẩm, trái cây và đồ uống nên hạn chế ăn trong thời điểm này đó là những thực phẩm có màu nâu, màu sẫm, màu đỏ như: tiết heo, tiết bò, tiết gà, củ dền, quả thanh long đỏ...

Lý do của việc nên tránh những thực phẩm có màu sẫm, nâu, đỏ là vì một trong các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Nếu người bệnh sử dụng nhiều những thực phẩm đó thì khi bị nôn ói hoặc tiêu, tiểu có thể sẽ có màu sẫm hoặc đỏ. Điều này sẽ làm người bệnh khó phân biệt hoặc dễ nhầm lẫn với dấu hiệu xuất huyết do chảy máu bên trong nếu có.

Những thực phẩm nên tránh khi bị sốt xuất huyết

Thực phẩm có màu sẫm: Thực phẩm như sô cô la, đồ uống sô cô la và nước trái cây có màu tím hoặc đỏ có thể gây nhầm lẫn do làm thay đổi màu sắc của dịch nôn, nước tiểu hoặc phân.

Đồ ăn nhiều chất béo: Sốt xuất huyết làm giảm khả năng tiêu hóa khiến bệnh nhân sốt xuất huyết khó tiêu hóa các chất béo.

Thức ăn cay: Thực phẩm cay thúc đẩy sự tích tụ axit trong dạ dày, có thể gây kích ứng thành dạ dày và làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.

Đồ uống có cồn: Khi bị sốt xuất huyết, cơ thể cần nhiều chất lỏng để hydrat hóa. Cà phê, trà, nước tăng lực có thể dẫn đến mất nước và phá vỡ cơ bắp.

Sau sốt xuất huyết, người bệnh nên ăn gì và kiêng gì để mau phục hồi?Sau sốt xuất huyết, người bệnh nên ăn gì và kiêng gì để mau phục hồi?

SKĐS - Người bệnh sốt xuất huyết thường chán ăn, buồn nôn, nôn hoặc đau bụng... khiến suy nhược cơ thể. Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị và phục hồi sau mắc sốt xuất huyết.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn kiêng thế nào? 


Hoàng Nam
Ý kiến của bạn