Loại Nga khỏi G8, căng thẳng về Ukraine lên mức kịch tính

26-03-2014 21:37 | Quốc tế

SKĐS - Với việc loại Nga ra khỏi G8, phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã đẩy căng thẳng với Nga lên cao điểm. Vấn đề Ukraine chưa được tháo ngòi nổ.

Với việc loại Nga ra khỏi G8, phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã đẩy căng thẳng với Nga lên cao điểm. Tuy nhiên, nếu xét kỹ các động thái, phương Tây tuy lớn tiếng nhưng vẫn để đường lùi cho cuộc khủng hoảng, bằng chứng là luôn có cụm từ “nếu, có thể, sẽ...” trong các phát biểu của Tổng thống B.Obama.

Căng thẳng Nga - EU lên đến đỉnh điểm.

Căng thẳng Nga - EU lên đến đỉnh điểm.

Mới đây nhất, ông Obama tuyên bố “Washington sẽ có thể cấm vận ngân hàng Nga, các ngành tài chính, dầu khí và vũ khí nếu Nga có thêm các hành động xâm phạm lãnh thổ Ukraine... nếu Nga xâm phạm lãnh thổ của các nước thành viên NATO, toàn bộ các thành viên của khối sẽ ra tay bảo vệ nước bị xâm phạm theo đúng nguyên tắc phòng vệ chung”. Tuy nhiên, xem ra nhưng răn đe đó chẳng hề làm nản lòng Chính phủ Putin. Cho đến thời điểm hiện tại, loại Nga ra khỏi G8 có lẽ là biện pháp mạnh nhất nhưng Moscow vẫn vững như bàn thạch với hàng loạt tuyên bố đanh thép của ngoại trưởng Nga S.Lavrov: “G8 là một câu lạc bộ không chính thức, không thẻ hội viên và cũng chẳng ai trục xuất được các thành viên. Nếu các đối tác phương Tây tin rằng thể chế này đang tự làm suy yếu nó, thì cứ cho nó suy yếu. Chúng tôi không bám víu vào G8”. Có lẽ trong quyết định này, việc thiệt thòi nhất đối với Moscow có lẽ là việc hủy đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm 2014 tại Nga. Ngoài đòn trên, xem ra Nga hoàn toàn không nao núng. Năm 1998, Nga trở thành thành viên đầy đủ, chính thức của G8. Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ B.Clinton, Thủ tướng Anh Tony Blair đều khẳng định G8 lớn mạnh hơn khi có Nga tham dự. Nhờ có Nga, G8 cũng có tiếng nói hơn trong các vấn đề quốc tế như năng lượng hạt nhân...

Về cục diện chung, hiện chỉ có Mỹ và EU phản đối Nga mạnh mẽ. Hiện số nước chính thức lên tiếng ủng hộ Nga cũng đã tăng lên. Sau Syria, Venezuela, thì vừa rồi, Afghanistan cũng đã lên tiếng cho rằng việc Nga sáp nhập Crimea là hợp pháp. Nhật Bản, Trung Quốc giữ thái độ trung lập. Khi được hỏi về phản ứng của Nga trước thông tin Australia sẽ không mời Tổng thống Putin đến Hội nghị G20 được tổ chức tại Brisbane vào tháng 11 sắp tới, ông Lavrov cho biết: “G20 không phải được thiết lập bởi một mình Australia mà lên tiếng đề nghị không mời Nga. Hội nghị này là do tất cả các nước thành viên cùng sáng lập”. Được biết, trái ngược hẳn với các nhà lãnh đạo nhóm G7, theo tờ Thời báo Ấn Độ, các quốc gia BRICS đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nước Nga và Tổng thống Putin. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về hạt nhân, Ngoại trưởng các nước Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, các thành viên của BRICS đã gặp nhau và cùng đưa ra một tuyên bố chung. Trong tuyên bố có đoạn bày tỏ thái độ quan ngại trước việc Ngoại trưởng Australia tuyên bố Tổng thống Putin nên bị ngăn cản đến tham dự Hội nghị G20. “Các Bộ trưởng ghi nhận những mối quan ngại trên các phương tiện truyền thông gần đây về Hội nghị Thượng đỉnh G20. Quyền giám sát của G20 thuộc về tất cả các quốc gia thành viên và công bằng như nhau. Không một thành viên nào có quyền đơn phương xác định tính chất và đặc điểm của nó”.

Tổng thống Obama tuyên bố việc Nga sáp nhập Crimea chưa phải là “sự đã rồi” vì cộng đồng quốc tế không công nhận nhưng ông cũng thừa nhận rằng trên thực tế “quân đội Nga đang kiểm soát Crimea”. Ông cũng bày tỏ quan ngại về việc Nga tập trung quân tại biên giới với Ukraine nhưng thừa nhận rằng Moscow có quyền triển khai quân đội bên trong lãnh thổ của họ. Ông nói ông cảm thấy “khích lệ”’ trước việc các nước châu Âu sẵn sàng xem xét các biện pháp trừng phạt Nga vốn cũng sẽ gây thiệt hại cho nước họ.

(Theo CNN, AP)

Quỳnh Diệp

 


Ý kiến của bạn