Muỗi là trung gian truyền một số bệnh ký sinh trùng ở vùng nhiệt đới như sốt rét, giun chỉ bạch huyết và bệnh do virut như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt vàng... Muỗi đực chỉ hút nhựa cây, còn muỗi cái mới chích đốt máu người và động vật. Loài muỗi cái thích mùi của cơ thể, khí carbonic (CO2) và nhiệt tỏa ra từ người hay động vật.
Đặc điểm các loài muỗi truyền bệnh
Trong các loài muỗi, có hai nhóm thường đốt máu người và có thể truyền bệnh. Nhóm Anopheles có giống Anopheles được biết đến nhiều nhất do vai trò truyền bệnh sốt rét. Ở một số nơi, nó cũng có khả năng truyền bệnh giun chỉ bạch huyết. Nhóm Culicinae gồm các giống Culex truyền bệnh giun chỉ bạch huyết và một số bệnh virut; giống Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, các bệnh virut khác và cũng có khả năng truyền bệnh giun chỉ bạch huyết; giống Mansonia truyền bệnh giun chỉ bạch huyết; giống Haemagogus và Sabethes truyền bệnh sốt vàng vùng rừng rậm ở Trung, Nam Mỹ.
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét. |
Về tập tính, muỗi đực thường "ăn chay" nên không đốt máu, nó tự nuôi dưỡng bằng cách chích hút nhựa cây; muỗi cái thường "ăn mặn" nên nó chích đốt máu cả người và động vật. Với đặc điểm ái tính riêng, một số loài muỗi thường chỉ ưa thích chích đốt máu của một số loại động vật nào đó phù hợp. Muỗi thường bị thu hút bởi mùi của cơ thể, mùi của mồ hôi, khí CO2 và nhiệt tỏa ra từ người hay động vật. Các loài muỗi thường thích chích đốt máu vào một số giờ nhất định, có thể vào lúc rạng đông, lúc hoàng hôn chập tối hoặc khi nửa đêm. Đa số các loài muỗi thường chích đốt mồi vào ban đêm nhưng cũng có một số loài thường chích đốt mồi vào ban ngày. Một đặc điểm sinh lý cũng được ghi nhận là có loài muỗi thích chích đốt máu ở trong rừng, một số loài lại thích chích đốt máu ở ngoài nhà hoặc trong nhà.
Do khả năng cần tiêu máu và phát triển trứng thụ tinh mất nhiều ngày nên muỗi cái sau khi hút no máu đã tìm nơi an toàn, tối tăm, ẩm thấp để trú ẩn và đậu nghỉ. Một số loài thích trú đậu trong nhà hoặc ở chuồng gia súc, một số loài khác lại thích trú đậu ngoài nhà, trong các bụi cây hoặc nơi trú ẩn tự nhiên. Thường muỗi cái không chích đốt máu trong thời gian trứng thụ tinh đang phát triển.
Chính đặc điểm tập tính của muỗi đã giúp các nhà khoa học xác định loài muỗi chỉ gây mối phiền hà cho con người do việc chích đốt máu bình thường hay loài muỗi là trung gian truyền bệnh, trên cơ sở này sẽ chọn lựa các phương pháp phòng chống thích hợp. Một số loài muỗi thích chích đốt máu các loại động vật thì không có khả năng và nguy cơ trong vai trò truyền bệnh từ người này sang người khác. Con người dễ dàng phòng tránh muỗi chích đốt máu đối với các loài muỗi có tập tính đốt mồi vào ban đêm hơn là loài có tập tính chích đốt máu vào ban ngày hoặc khi buổi chiều chập tối. Loài muỗi có tập tính trú đậu ở trong nhà có khả năng dễ phòng chống hơn là loài muỗi có tập tính trú đậu ở ngoài nhà.
Mùi mà muỗi cái ưa thích
Theo tập tính chích đốt mồi của các loài muỗi đã nghiên cứu, muỗi cái thường ưa thích nếu như không muốn nói là bị thu hút bởi cái mùi cơ thể, mùi mồ hôi, khí CO2 và nhiệt tỏa ra từ người hay động vật. Do nắm được các đặc điểm nên trong thực tế, ngành chuyên khoa côn trùng đã ứng dụng tính chất trên để xây dựng một số quy định cho các hoạt động thuộc lĩnh vực này.
Đối với cán bộ, nhân viên làm công tác côn trùng được phân công thực hiện phương pháp mồi người để bắt muỗi ở trong nhà và ngoài trời ban đêm phục vụ cho việc giám sát hoạt động của muỗi truyền bệnh tại điểm điều tra phải tuân thủ các quy định của chuyên môn. Không được tắm rửa bằng xà phòng có mùi thơm quá nồng vào buổi chiều trước khi làm nhiệm vụ vì mùi thơm làm cho muỗi không bị thu hút tìm đến để đốt mồi, nếu muốn tắm rửa thì tốt nhất là dùng nước sạch, không dùng xà phòng thơm. Trong khi mồi người bắt muỗi, tuyệt đối không được nói chuyện, hút thuốc lá, dùng nước hoa, xoa dầu nóng có mùi thơm ... vì sẽ có tác dụng xua đuổi muỗi bay đến. Nếu thực hiện đúng quy định này, khả năng thu hút muỗi sẽ cao và bắt được nhiều muỗi. Nếu không tuân thủ nguyên tắc, dù có ngồi cả suốt đêm cũng không bắt được muỗi, có bắt được cũng rất ít. Số liệu điều tra thu thập được sẽ không trung thực.
Ngoài ra muỗi cái cũng ưa thích khí CO2 và nhiệt tỏa ra từ cơ thể Cũng căn cứ vào tập tính đốt mồi của muỗi, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã nghiên cứu phương pháp thu thập muỗi có đặc tính hoạt động ở vùng rừng núi bằng cách ứng dụng mồi dẫn dụ khói và lửa để bắt muỗi. Về cơ bản, các loài muỗi đều có thể bị dẫn dụ và thu hút bởi khí CO2 và nhiệt. Tuy nhiên, nếu ở nhiệt độ quá cao và nồng độ khí CO2 quá lớn thì nguồn dẫn dụ sẽ mất tác dụng và có thể có tác dụng xua đuổi.
BS. Nguyễn Võ Hinh