Loài khỉ - người bạn đồng hành của con người

27-02-2016 17:46 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Năm Bính Thân , theo cái luật “Ngũ hành” của Đông phương, “Bính” chiếm vị trí thứ 3, sau Ất, trong phạm trù “Thiên can”, thuộc hành “ Hỏa”. Còn “Thân” chiếm vị trí thứ 9, sau Mùi, trong phạm trù “Địa chi”, thuộc hành “Kim”.

Theo phong tục của người Phương đông, năm Bính Thân được biểu tượng là năm  “Con khỉ”. Nói về loài Khỉ, người ta dễ dàng hình dung ra một loài vật thông minh, nhanh nhẹn, các động tác rất khéo léo, uyển chuyển, lưu loát... Chẳng thế mà lại có Khỉ làm xiếc: kéo xe, đua ngựa, đi xe đạp, xay thóc, bắn súng...Chính vì vậy, trước đây có nhiều người cũng hy vọng sinh được con vào những năm “Khỉ vàng” để được thụ hưởng cái khôn ngoan, lanh lợi...của loài Khỉ. Để rồi, làm cho tỷ lệ sinh con vào những năm “ con Khỉ”, “con  Rồng”...cứ theo đó mà tăng lên vùn vụt; làm cho gia đình và xã hội phải lãnh đủ biết bao hệ lụy của cái suy nghĩ kiểu cũ kỹ đó !

Ngày nay, dần dần rồi người ta cũng nhận ra, đó chỉ là những mơ ưóc hão huyền ! Thực tế, con cái thông minh, giỏi giang..., phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: di truyền, điều kiện sống, cách sống, cách giáo dục của gia đình, xã hội...Đâu phải là phụ thuộc vào các con vật “Cầm tinh” của mỗi  năm !

Lại nói về các loài vật trong Bộ Linh trưởng (Primates) ở Việt nam, chúng cũng rất đa dạng và rất phong phú. Chỉ riêng Họ Khỉ đã được chia làm hai phân Họ. Trong đó, Khỉ thuộc phân Họ 1 (Cercopithecinae), và  Voọc thuộc phân Họ 2 (Colobinae). Họ Khỉ ngang hàng với hai Họ khác là Họ Cu li (Lorisidae) và Họ Vượn (Hylobatidae). Tùy theo từng loài, chúng có cách sống riêng. Có loài tìm kiếm thức ăn vào ban ngày, như Khỉ, Voọc, có loài lại kiếm ăn vào ban đêm, như Culi. Thông thường tồn tại thành từng bầy từ 5 đến 50 con, trên các cánh rừng, núi phía bắc, miền trung và Tây nguyên. Cuộc sống của chúng gắn liền với thức ăn là lá, chồi non, quả xanh...và các côn trùng, hoặc các động vật không xương sống...

Chỉ riêng loài Khỉ, ở nước ta, cũng có tới 5 loài khác nhau; Đó là Khỉ đuôi dài (Macaca  fascicularis) có đuôi dài gần bằng thân. Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) có lông mầu nâu nhạt, đỉnh đầu dẹt có lông đậm, song đuôi ngắn trông giống đuôi con lợn. Khỉ vàng (Macaca mulatta) lông trên thân có mầu nâu, còn phần mông và hai bên đùi lại mầu nâu đỏ. Khỉ mặt đỏ (Macaca artoides) có lông mẫu sẫm hoặc nâu, đen. Mặt thường đỏ và hầu như không có đuôi. Khỉ Mốc (Macaca assamesis) có kích thước lớn hơn các loài khỉ trên, có bộ lông dầy và dài hơn, có mầu từ nâu sẫm đến nâu vàng; đặc biệt lông xung quanh mặt có mầu đen, còn hai bên má lại có mầu xám. Có điều theo phong tục của Phương đông, người ta chỉ đưa loài Khỉ, và lại là loài “Khỉ vàng ” vào con vật “Cầm tinh” của những năm “Thân”, mà không đưa loài Culi, hay loài Voọc, loài Vượn, mặc dù chúng đều là những con vật trong bộ Linh trưởng. Phải chăng, “Thân”, thuộc hành Kim (trong Ngũ hành), mà mầu vàng lại thuộc hành Kim, nên người ta chọn “Khỉ vàng”  để “Cầm tinh” năm Thân là vì lẽ đó.

Trước đây, khi chưa có Công ước CITES, một Công ước mang tầm cỡ Quốc tế do Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) được ký kết từ tháng 7  năm 1973, và có hiệu lực từ 1/7/1975 mà Việt nam đã trở thành thành viên vào năm 1994, nhằm kiểm soát hoạt động, buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã một cách bền vững; để đảm bảo rằng các hoạt động này không làm ảnh hưởng đến sự tồn vong các loài sống trong tự nhiên, thì vào những năm được gọi là năm“Thân” như thế này, đời sống của những bầy khỉ đã bị đe dọa một cách cực kỳ nghiêm trọng. Nhưng may thay, với Công ước CITES ra đời, và với Nghị định 82/2006/NĐ- CP của Chính phủ Việt nam về việc bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã. Theo đó các hành vi săn bắn, vận chuyển, lưu trữ, quảng cáo, mua bán và tiêu thụ các loài động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng hay các sản phẩm từ chúng là vi phạm pháp luật. Nghị định này đưa ra 2 nhóm, nhóm I B, bao gồm các loài nguy cấp và cực kỳ nguy cấp. Đối với các loài này, bất kỳ hình thức khai thác, thương mại nào đều bị nghiêm cấm. Các công trình nghiên cứu khoa học và bảo tồn, đều phải yêu cầu có giấy phép. Nhóm II B, bao gồm các loài bị đe dọa tuyệt chủng và quý hiếm, như những loài Khỉ, nói trên. Với các chương trình nghiên cứu khoa học, bảo tồn, khai thác thương mại, cũng đều yêu cầu phải có giấy phép. Điều đó, chính là những “điều may mắn” cho những “Chú Khỉ” của những năm “Bính Thân, 2016” này, và cả những năm “Thân” sau này nữa ! Mặt khác để bảo tồn và phát triển các loài Khỉ ở Việt nam, chúng ta cũng đã lập các trạm cứu hộ, kịp thời cứu chữa các cá thể bị thương do săn bắn, cạm bẫy...rồi lại trả chúng về tự nhiên. Thêm vào đó đã phục hồi và phát triển nhiều đàn Khỉ ở các Đảo và các khu du lịch ở nhiều nơi trong cả nước.

Như chúng ta đã biết,  họ hàng nhà Khỉ cũng đóng góp rất nhiều công việc hữu ích cho loài người. Chúng bắt sâu bọ, côn trùng...và cũng là một khâu quan trọng trong việc phát tán các hạt giống cây rừng. Thêm vào đó có nhiều chú Khỉ tài năng, góp phần quan trọng trong các tiết mục có kỹ thuật rất tinh xảo của các đoàn xiếc. Ngoài ra, để phục vụ cho công việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng các bệnh cho con người, hàng ngày có những con Khỉ đã âm thầm bị hiến thận cho những công việc thầm lặng đó. Vì bản thân tế bào thận Khỉ không mang bất kỳ tác nhân truyền nhiễm lạ, hoặc nguy cơ gây bệnh hiểm nghèo cho con người. Chẳng hạn, khi tiến hành bào chế vắc-xin Sabin phòng bệnh bại liệt, hoặc vắc – xin phòng dịch cúm H5N1, người ta đã sử dụng tế bào thận Khỉ vàng (Macaca mulata) để làm công việc đó.

Để bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn sự cân bằng sinh thái cho trái đất mà chúng ta đang sống, tức bảo vệ chính cuộc sống của con người chúng ta. Mọi người hãy chung tay, bảo vệ các loài Khỉ ở nước ta. Bằng những hành động thực tế, không săn bắt, cạm bẫy, buôn bán các loài Khỉ. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi làm tổn hại đến cuộc sống của những loài Khỉ đó.

Vì cuộc sống của chính chúng ta, năm Bính Thân, hãy chung tay vào việc bảo tồn và phát triển những loài Khỉ ở nước ta.


GS.TS PHẠM XUÂN SINH
Ý kiến của bạn