Loài hoa vô danh
Người dân tộc Thái ở huyện Quế Phong gọi cây trà hoa vàng là cây "có tắp quái" nghĩa là gan trâu và người dân thường gọi cây gan trâu.
Người dân ở các xã Tiền Phong, Châu Kim, Mường Noọc… huyện Quế Phong cho hay, trước đây khi trà hoa vàng chưa nổi tiếng như bây giờ, bà con vô rừng thấy hoa nở là hái về ngâm rượu uống, hoặc nấu canh như những loại rau rừng khác. Cũng có người dùng để pha trà, có người còn chặt cây về làm củi.
Năm 2007, thấy một số thương lái người Trung Quốc tìm đến các làng bản Quế Phong tầm mua những bông hoa này, dân bản bắt đầu đi lượm, hái hoa về bán. May thay, cũng năm đó huyện Quế Phong tiếp đoàn khách là các nhà khoa học người Nhật, do GS. Hakoda dẫn đầu cùng với PGS. Trần Ninh (trường đại học Quốc gia Hà Nội) đi tìm hiểu cây hoa trà vàng. Sau khi về nước, GS. Hakoda nghiên cứu, phát hiện hoa trà vàng ở Quế Phong cũng giống như Kim hoa trà ở Trung Quốc nhưng khác loài.
Đây chính là loài hoa có nhiều công dụng trong y học như chữa được táo bón, hỗ trợ hạ đường huyết đối với người bệnh tiểu đường. Hoa trà vàng cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp vì khả năng làm giảm và điều hòa huyết áp của nó. Một số bệnh về đường hô hấp, bài tiết, khí thũng hay co thắt dạ con ở phụ nữ đều có thể sử dụng thức uống này như một phương pháp chữa trị đơn giản lại sớm mang lại kết quả…
Từ nghiên cứu này, GS. Hakoda đã viết bài đăng trên Tạp chí "Trà thế giới" và công bố tên khoa học của nó là Camellia quephongensis Hakoda et Ninh. Lúc này, thương lái Trung Quốc đến Quế Phong mua ngày càng nhiều.
Làm giàu từ cây trà hoa vàng
Bà Hà Thị Thuyết, nhân công của Công ty CP Công nghệ xanh Kim Sơn (đóng trên địa bàn huyện Quế Phong) vui nói với chúng tôi về lợi ích gần gũi nhất khi trà hoa vàng đã trở thành sản phẩm hàng hoá. Từ đó, giúp người dân nơi đây, đặc biệt là người dân tộc thiểu số thoát khỏi cái nghèo, đồng thời bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; tác động đến ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gien dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Vừa ngồi chọn lọc những bông hoa chuẩn bị cho vào máy sấy của công ty, bà Thuyết kể: "Ở đây dân bản vào rừng hái hoa cả ngày, tối mới đưa đến đây nhập. Mỗi người chở xe máy đến hàng chục ống nứa loại to đựng hoa để tránh bị dập nát. Công ty mua xong, tối đến tổ chức cho 30 nhân công như tôi đây ngồi lựa từng búp để hấp rồi tách từng cánh hoa cho vào máy sấy".
Cùng làm với bà Thuyết là những phụ nữ xóm cây Dừa ở thị trấn Kim Sơn. Có chị ngày làm việc nhà nước, tối tranh thủ đến lựa hoa. Có chủ tiệm cafe ở cạnh cũng sang công ty nhận hoa về lựa. Họ làm từ 19h đến 23h. Cứ mỗi khay hoa đưa vào máy sấy được 20.000 đồng. Chị Vi Hồng Xoan góp vui: "Làm nhân công ở đây cũng được lắm. Nếu chịu khó, làm tốt không chỉ giúp các gia đình có thêm thu nhập để lo cho con cái học hành, người dân dần thoát khỏi cái nghèo đeo bám suốt bao năm".
Lãnh đạo UBND huyện Quế Phong cho biết, từ khi có máy sấy, bà con nhiều xã ở những bản làng xa có hoa trà vàng là đem đến nhập. Mỗi năm, bà con hái được khoảng 10 tấn hoa. Đây là nguồn thu nhập rất tốt để bà con dần bảo tồn, phát triển vùng cây dược liệu nhập cho công ty cũng như các đơn vị khác.
Chiếc máy sấy này trị giá 350 triệu đồng. Máy sấy ở nhiệt độ 40 độ C (nóng quá sẽ mất hoạt chất của nhụy hoa), hút hết hơi ẩm trong cánh hoa và nhụy hoa để tránh ẩm mốc. Sau khi sấy xong cho sản phẩm qua buồn lạnh 5 độ C đủ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi đợt sây từ 18-22h. Một lần sấy 100 khay tương đương một tạ sản phẩm.
Máy sấy này là kết quả của Hội nghị giao ban trực tuyến do UBND Quế Phong phối hợp Sở Khoa học Công nghệ và Môi trưởng Nghệ An tổ chức. Một doanh nghiệp sáng chế máy này ở Hà Nội bán và chuyển giao công nghệ.
Về đâu ra cho công ty, vị lãnh đạo này nói, hiện Công ty CP Công nghệ xanh Kim Sơn mở hai đại lý ở TP.Vinh (Nghệ An), một đại lý ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) và một đại lý ở quận 7, TP.HCM. Khi nào các đại lý điện thoại là công ty cho xe chở hàng đi ngay.
Riêng về thu nhập của nhân công, trước đây, bà con làm thủ công nhỏ lẻ ở nhà, đầu ra của sản phẩm thuộc dạng mua sỉ hoa, bán lẻ trà nên thu nhập không đáng kể. Bây giờ, công ty này trả cho mỗi người từ 7-10 triệu đồng/tháng, tùy theo ngày công lao động.
Tạo kinh tế bền vững cho bà dân vùng cao
Lãnh đạo UBND huyện Quế Phong nhấn mạnh, tiếp tục bảo tồn, nhân giống, trồng và chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm trà hoa vàng bằng cách sản xuất theo chuỗi. Hơn nữa, sản phẩm trà hoa vàng do Công ty Cổ phần công nghệ xanh Kim Sơn đã được cấp bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; các khâu về an toàn thực phẩm, mã vạch, xây dựng trang web giới thiệu, bán hàng trực tuyến... đã được đơn vị đầu tư bài bản.
Ngoài ra, Nghệ An vừa phát hiện thêm ba địa phương khác ở miền Tây Nghệ An cũng có hàng chục hecta lộ diện cây chè hoa vàng. Đó là huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Rất có thể Quế Phong sẽ trở thành trung tâm thu mua, sản xuất trà hoa vàng để bán đi khắp cả nước, thu tiền về cho hàng trăm lao động là bà con dân tộc đang thiếu việc làm ở vùng cao.
Rợn người chi tiết “lạ” vụ cô gái bị sát hại dã man, phân thành 4 mảnh trôi trên sông Hồng | SKĐS