Loài động vật chưa từng phát hiện trên thế giới ở Cao Bằng có gì đặc biệt?

06-04-2025 19:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Cá cóc Cao Bằng được xác nhận là loài mới được tìm thấy tại Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng. Phát hiện này do các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tìm ra.

Du khách thích thú đi xem bộ xương động vật quý hiếm ‘khổng lồ’ ở Khánh HòaDu khách thích thú đi xem bộ xương động vật quý hiếm ‘khổng lồ’ ở Khánh Hòa

SKĐS - Bộ xương cá voi lưng gù đặt tại Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa) đang thu hút đông người dân và du khách trong nước, quốc tế đến xem.

Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cho biết, các nhà khoa học của Trung tâm vừa tìm thấy loài cá cóc hiếm mới tại Cao Bằng. Cá cóc Cao Bằng được xác nhận là loài mới được tìm thấy tại Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng. Phát hiện này đã được các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và cộng sự công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Alytes.

Cá cóc Cao Bằng có tên khoa học Tylototriton koliaensis, thuộc giống cá cóc (Tylototriton). Đây là loài Cá cóc thứ 10 tại Việt Nam và loài thứ 42 trên thế giới.

Loài động vật chưa từng phát hiện trên thế giới ở Cao Bằng có gì đặc biệt?- Ảnh 2.

Loài cá cóc mới được phát hiện ở Cao Bằng,

Nhóm nghiên cứu ghi nhận loài cá cóc Cao Bằng phân bố ở độ cao từ 1.000 m đến 1.400 m so với mực nước biển, thuộc khu vực Đèo Kolia và Nông trại hữu cơ Kolia.

Theo thông tin từ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, sử dụng các phương pháp so sánh hình thái và giải phẫu (cấu trúc hàm răng và xương hộp sọ) kết hợp các phương pháp phân tích sinh học phân tử (so sánh, giải mã trình tự gen ty thể ND2 và 16S, phân tích đa hình các nucleotide đơn lẻ DNA gen nhân - SPN dựa trên kỹ thuật sử dụng enzyme cắt hạn chế kép DNA - ddRDA, xây dựng mối quan hệ di truyền giữa các loài), các nhà khoa học đã xác định Cá cóc Cao Bằng khác biệt với các loài Cá cóc đã biết tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Cá cóc Cao Bằng có lưng màu đen, bụng màu xám đen, tứ chi màu đen; đầu ngón chi trước và ngón chi sau, một phần của lòng bàn các chi có màu cam sáng, sọc màu cam kéo dài dọc theo mép dưới của đuôi đến cuối đuôi; không có các vệt màu cam sáng trên tuyến mang tai hoặc nốt sần bên sườn.

Cá thể đực có chiều dài cơ thể 56,0-61,4 mm, cá thể cái 70,8-73,0 mm; đầu mõm bằng khi nhìn từ trên xuống và tù tròn khi nhìn từ mặt bên; chiều dài và chiều rộng phần đầu tương đương nhau; nếp gấp da dưới cổ mỏng; da thô với các nốt mịn ở hai bên, các nốt nhỏ dần về phía lưng; đường gờ dọc trên đầu không rõ ràng; đường gờ dọc đốt sống nổi rõ; có 10-12 nốt sần xếp thành chuỗi không đều ở hai bên sườn, xen kẽ với các nốt nhỏ hơn.

Cá cóc Cao Bằng sinh sản vào mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 7, chúng xuất hiện ở các đoạn suối chảy chậm và các vũng nước sâu 30-50 cm. Nòng nọc có đầu tương đối rộng, khoảng cách giữa hai hốc mắt rộng hơn khoảng cách giữa hai lỗ mũi, đuôi nhọn, vây đuôi cao hơn vây bụng và đuôi ngắn hơn thân. Các giai đoạn phát triển của nòng nọc đều có màu sẫm, ngoại trừ ngón các chi và vây bụng có màu vàng. Vào mùa đông Cá cóc Cao Bằng ẩn nấp dưới các tảng đá và hang hốc trong giai đoạn sống trên cạn.

Hiện nay, cá cóc là một trong những loài lưỡng cư dễ bị đe doạ nhất trên thế giới, vì vậy tất cả các loài cá cóc đều được liệt kê trong Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Tại Việt Nam, các loài cá cóc thuộc giống Tylototriton đều có trong Phụ lục IIB của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Theo Danh lục Đỏ thế giới (IUCN, 2/2025) có 22 loài cá cóc (thuộc giống Tylototriton) xếp ở tình trạng bảo tồn từ VU (Sắp nguy cấp) đến CR (Cực kỳ nguy cấp).

Do tính chất dễ bị tổn thương đối với các loài cá cóc nói riêng, cùng với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các nhà khoa học đã đề nghị đưa loài cá cóc Cao Bằng vào Danh lục Đỏ thế giới (IUCN) tình trạng bảo tồn ở mức Nguy cấp (EN).

Khen thưởng người đàn ông bắt được động vật quý hiếm và báo chính quyềnKhen thưởng người đàn ông bắt được động vật quý hiếm và báo chính quyền

SKĐS - Phát hiện động vật quý hiếm bò trong vườn rau, ông Trương Quang Phước ở Bảo Lâm (Lâm Đồng) liền bắt lại và báo cho chính quyền địa phương.


Tô Hội
Ý kiến của bạn