Các nhà nghiên cứu bệnh nhiệt đới, sinh thái học, nhân học từ châu Âu và châu Phi đã mất 3 tuần để điều tra nguyên nhân đại dịch Ebola tại Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria.
Trước đó, các nhà khoa học đã nghi ngờ nguồn gốc của đại dịch Ebola là từ một bé trai 2 tuổi tử vong vào tháng 12 năm ngoái ở Guinea. Vì thế, họ đã bắt những con dơi và các loại sinh vật gần ngôi làng Meliandoua ở phía đông Guinea, nơi dịch bệnh bắt đầu, để nghiên cứu.
Theo các nhà khoa học, cậu bé 2 tuổi này đã bị dơi cắn và nhiễm virus Ebola. Sau đó, em lây sang cho mẹ và cả 2 tử vong trong vòng 1 tuần. Dịch bệnh bắt đầu lây lan nhanh chóng sang những người đến viếng đám tang. Trước đó, các nhà khoa học đã nghi ngờ dơi chính là vật trung gian của virus Ebola, tuy nhiên, rất hiếm khi chúng lây cho con người. Hầu hết các dịch bệnh trước đó là do thợ săn thu nhặt thịt của những loài động vật nhiễm bệnh đã chết và mang bán lại.
Thịt dơi ăn quả được sử dụng để chế biến nhiều món ăn ở châu Phi.
Tuy nhiên, thịt của dơi ăn quả lại được sử dụng làm thức ăn một cách rộng rãi ở khu vực nông thôn phía tây châu Phi. Thịt của chúng được chế biến theo nhiều kiểu như hun khói, rán hoặc làm súp cay. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Fabian Leendertz, chuyên gia dịch tễ học và nhà sinh thái học tại Viện Robert Koch ở Berlin, sẽ sớm công bố chi tiết kết quả trên một tờ tạp chí lớn.