1. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa insulin khiến glucose trong máu tăng cao. Nếu tình trạng đường máu tăng cao kéo dài không được kiểm soát cùng một số yếu tố nguy cơ khác sẽ dẫn đến xuất hiện biến chứng ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Có nhiều nguyên nhân phát sinh bệnh đái tháo đường, trong đó lối sống và chế độ ăn uống cũng là yếu tố quan trọng. Đặc biệt là tình trạng thừa cân, béo phì.
Ngoài nguyên nhân do di truyền hay bệnh lý thì chế độ ăn giàu năng lượng, nhiều chất béo và đường chính là nguyên nhân gây béo phì. Trong đó đồ ăn nhanh là loại thực phẩm điển hình chứa rất nhiều năng lượng, chất béo và đường.
Trong xã hội hiện đại, đồ ăn nhanh ngày càng phổ biến và đa dạng. Việc lạm dụng loại thực phẩm giàu chất béo và năng lượng này kết hợp với ít hoạt động thể lực là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ béo phì và đái tháo đường ngày càng tăng.
Theo PGS.TS.BSCC. Tạ Văn Bình - Chuyên ngành Nội tiết – Chuyển hóa, nguyên Giám đốc BV Nội Tiết TW: Bệnh đái tháo đường type 1 là do tình trạng tự miễn dịch gây ra; còn bệnh đái tháo đường type 2 là sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường mà bạn đang sống. Yếu tố mội trường theo hiểu biết hiện nay gồm 3 yếu tố: Ăn uống không khoa học, ít hoạt động thể lực và stress.
Như vậy việc ăn uống không khoa học, lạm dụng thức ăn nhanh có thể gây tình trạng thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.
2. Đồ ăn nhanh ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường như thế nào?
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, chuyên gia Nội tiết - Đái tháo đường, đái tháo đường liên quan với các yếu tố nguy cơ, đó là: thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực...
Đồ ăn nhanh như: pizza, khoai tây chiên, gà rán, hamburger... mặc dù ngon và tiện lợi nhưng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường vì chúng chứa rất nhiều calories, cholesterol và đường đơn, khi nạp vào cơ thể sẽ làm tăng lượng đường trong máu và kéo theo tình trạng thừa cân, béo phì.
Đồ ăn nhanh không chứa nhiều chất xơ, một chất dinh dưỡng giúp làm chậm sự hấp thụ đường vào máu và giảm sự sản sinh insulin của tuyến tụy.
Hầu hết thức ăn nhanh như: bánh mì kẹp thịt, gà rán, xúc xích, khoai tây chiên, đồ uống có đường đều chứa nhiều carbohydrate, rất ít hoặc không có chất xơ. Khi tiêu hóa những thực phẩm này, carbohydrate được giải phóng dưới dạng glucose (đường) vào máu dẫn đến làm tăng lượng đường trong máu.
Ngoài ra, chất béo chuyển hóa, là loại chất béo ít được tìm thấy trong tự nhiên, nhưng nó luôn có nhiều trong thực phẩm chiên rán. Chất béo chuyển hóa nhân tạo được tạo nên bởi mỡ và dầu qua tinh chế, xuất hiện trong thực phẩm chế biến thông qua cách sử dụng dầu thực vật được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần như chiên ngập dầu, nướng...
Chất béo chuyển hóa có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như các loại bánh, đồ nướng, thức ăn nhanh như: gà rán, pizza, khoai tây chiên, mì ăn liền…
Chất béo chuyển hóa hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe và nó có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường. Nghiên cứu cho thấy, những người tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn 40%. Việc tăng tiêu thụ chất béo chuyển hóa thông qua thức ăn nhanh làm tăng sự tích tụ mỡ nội tạng quanh bụng, khiến chúng ta có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 cao hơn.
3. Chế độ ăn giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
3.1. Ăn nhiều chất xơ
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất xơ còn có vai trò quan trọng trong điều trị và phòng ngừa những bệnh mạn tính như tim mạch, béo phì và đái tháo đường.
Khi ăn chất xơ, cơ thể bạn mất nhiều thời gian hơn để phân hủy thức ăn. Điều này giúp bạn duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn. Do vậy, những người mắc bệnh đái tháo đường nên được cung cấp nhiều chất xơ hơn so với người bình thường để giúp kiểm soát kiểm soát lượng đường trong máu.
Chất xơ có nhiều trong các loại thực phẩm như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
3.2. Ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu polyphenol
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội nghiên cứu Bệnh đái tháo đường châu Âu (EASD), việc tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu polyphenol như: trái cây, rau, quả hạch, cà phê và các loại đậu có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2 ở những người khỏe mạnh.
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy một số hợp chất nhất định được tìm thấy trong thực vật lành mạnh có thể có tác động lớn đến việc giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường type 2.
3.3. Hạn chế thực phẩm không lành mạnh
Thực phẩm không lành mạnh bao gồm: Ngũ cốc tinh chế, đồ uống có đường, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, bánh ngọt, khoai tây chiên…
Các loại thực phẩm này rất giàu năng lượng, tinh bột, đường và chất béo xấu như chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Thường xuyên tiêu thụ chúng sẽ thúc đẩy tăng cân, béo phì, kháng insulin và rối loạn đường huyết, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đái tháo đường.
Xem thêm video đang được quan tâm
4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải