Báo SK&ĐS số 104 ra ngày 1/7/2010 đã đăng bài viết Bọ xít hút máu người - Nguy hiểm đến đâu? trong đó khẳng định loại bọ xít mà các nhà khoa học Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã phát hiện là loại bọ xít không gây truyền bệnh cho người bị hút máu. Tuy nhiên, những ngày qua, một số phương tiện thông tin đại chúng vẫn tiếp tục đăng tải nhiều bài viết, cho rằng loại bọ xít này truyền bệnh nguy hiểm và nặng hơn có thể gây tử vong. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
PV: Trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua đã đề cập đến loại bọ xít hút máu người, truyền bệnh Chagas. Xin ông cho biết bệnh Chagas là loại bệnh gì và ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?
TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW. |
TS. Nguyễn Mạnh Hùng:
Bệnh Chagas (còn gọi là bệnh ngủ) là bệnh do ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi gây nên. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 10 triệu người trên thế giới mắc bệnh này. Bệnh Chagas chủ yếu do giống bọ xít Triatoma hút máu và truyền bệnh. Bệnh được lây truyền từ động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt sang người. Ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người qua các vết đốt hoặc vết xước do ngứa gãi tại chỗ do bọ xít đốt. Bệnh Chagas có 2 giai đoạn là cấp tính và mạn tính. Đối với giai đoạn cấp tính, bệnh Chagas có thời gian ủ bệnh từ 1-2 tuần từ khi bị bọ xít đốt và kéo dài khoảng 2 tháng. Khi bị bọ xít đốt, ký sinh trùng sẽ xâm nhập qua da, tại chỗ bị ký sinh trùng xâm nhập sẽ xuất hiện cục cứng đỏ sẫm và hồng ban kèm theo sưng đau. Nếu ký sinh trùng xâm nhập qua niêm mạc mắt, có dấu hiệu Romana (một dấu hiệu kinh điển của bệnh Chagas cấp), người bệnh sẽ bị phù nề một bên mí mắt và quanh hốc mắt, dấu hiệu này có thể tồn tại khoảng 2 tháng. Người bị ký sinh trùng xâm nhập sẽ thấy mệt mỏi, buồn ngủ và sốt cao. Đối với giai đoạn mạn tính, bệnh có thể kéo dài nhiều năm. Biểu hiện lâm sàng thường gặp ở tim, não, thực quản và phổi. Theo đó, thực quản thường bị giãn to, đau; bệnh nhân cảm thấy đau ngực, khó nuốt và nôn. Hay gặp khó thở khi hít vào, đặc biệt là trong khi ngủ.Tăng cường giám sát, ngăn chặn bọ xít hút máu người Ngày 1/7/2010, Viện SR-KST-CT TW đã có công văn số 649/VSR-CT gửi Bộ Y tế về loại bọ xít hút máu người. Theo đó, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện SR-KST-CT TW khẳng định, thông tin có giống bọ xít đốt hút máu người là có thật nhưng đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện giống bọ xít này ở Hà Nội. Hiện nay, Viện SR-KST-CT TW đã có công văn gửi các Trung tâm phòng chống SR -KST-CT và Trung tâm YTDP các tỉnh, các bệnh viện Trung ương và địa phương tăng cường giám sát phát hiện người bị bọ xít đốt hút máu, địa điểm có bọ xít đốt hút máu người (nếu có) và thông báo sớm cho Viện nhằm ngăn chặn, khống chế sự gia tăng của loại bọ xít này. PV |
PV: Xin ông cho biết, loài bọ xít hút máu này đã xuất hiện ở Việt Nam lâu chưa và ngoài loài bọ xít này ra, ở nước ta còn có loại côn trùng nào tương tự có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người?
TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Trên thế giới có khoảng 3.000 loài bọ xít khác nhau, bọ xít hút máu không hút nhựa cây như các loài bọ xít khác mà hút máu động vật, khi vào nhà nếu không có động vật trong nhà bọ xít sẽ tìm người để hút máu. Ở Việt Nam, bọ xít hút máu đã xuất hiện từ rất lâu chứ không phải năm nay mới xuất hiện lần đầu. Hằng năm, ở Hà Nội và một số nơi vẫn có người bị bọ xít hút máu đốt. Ngoài ra, có thể thấy côn trùng gây nguy hại cho sức khỏe con người có rất nhiều loại từ các loài muỗi truyền bệnh sốt rét, viêm não,... đến các loài ve, mò, mạt, bọ chét. Tuy nhiên cho đến nay, chúng tôi chưa thấy có thông tin, tài liệu nào thông báo rằng có các loài bọ xít lây truyền bệnh ở Việt Nam.
PV: Có dư luận cho rằng, các nhà nghiên cứu về côn trùng học Việt Nam chưa thực sự quan tâm về loại bọ xít này cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh Chagas mà loại bọ xít này làm lây truyền. Là một người nghiên cứu về côn trùng lâu năm, ông có thể cho biết quan điểm của mình?
TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Đúng là việc nghiên cứu bọ xít truyền bệnh ở Việt Nam chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và đầy đủ. Trước đây có một số nghiên cứu về bọ xít hút máu nhưng chủ yếu là phục vụ trong nông nghiệp. Tuy nhiên, các giống bọ xít hút máu người mà Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật thu thập được và định loại cho đến nay được xác định là loài Triatoma rubrofassiata. Điều đáng nói đó là loài Triatoma rubrofassiata không giống với loài bọ xít có thể gây truyền bệnh Chagas ở khu vực châu Mỹ là Triatoma dimidiate (phổ biến ở Trung Mỹ) và loài Triatoma infestans (phổ biến ở Nam Mỹ). Có thể khẳng định rằng loài bọ xít Triatoma rubrofassiata ở Việt Nam chỉ gây khó chịu và phiền toái cho con người trong thời gian ngắn chứ không gây bệnh. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng về loại bọ xít hút máu này. Qua báo SK&ĐS, tôi xin khẳng định, loại bọ xít mà báo chí đang đề cập tới có tên là Triatoma rubrofassiata, với khí hậu như ở nước ta, không gây bệnh Chagas.
Trước thông tin về "bọ xít hút máu người" xuất hiện ở Hà Nội được đăng tải trên một số báo khiến cho dư luận trong dân chúng "nóng" lên mấy ngày qua. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi nhận một số ý kiến của người dân xung quanh vấn đề này. * Bà Dương Thị Bích - bán hàng ăn (số 3, ngõ 29 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội): Mấy hôm nay cũng có nghe nói về việc Hà Nội xuất hiện "bọ xít hút máu người", tôi cũng thấy hoang mang lo lắng, không biết nếu bị đốt liệu đã có thuốc chữa chưa. Từ trước đến nay chưa bao giờ nhìn thấy con bọ xít như hình ảnh đã đưa trên báo. Để đề phòng mấy ngày hôm nay tôi đã mang hết gối, màn, chiếu ra giặt giũ thật sạch, dọn dẹp nhà cửa cẩn thận. Tôi nghĩ nếu nó giống như những con bọ đốt thì cách phòng tránh tốt nhất là ngủ phải mắc màn. * Bà Lê Thị Minh - 45 phố Văn Miếu (phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội): Tôi chưa nghe thấy thông tin này. Ở đây, vào mùa nhãn cũng có nhiều bọ xít lắm, nhất là vào lúc xâm xẩm tối bọ xít bay ra rất nhiều, bấu cả vào áo khách đến uống nước. Con to có, nhỏ có, nhiều lắm nhưng chưa thấy ai kêu bị đốt cả. Họ chỉ phủi nó đi để tránh mùi hôi. * Bà Nguyễn Thị Nguyệt - bán báo (ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội): Tôi cũng đọc được nhiều thông tin về "bọ xít hút máu người" trên rất nhiều tờ báo. Ở đây cả chục năm, nay chẳng bao giờ thấy con bọ xít nào như vậy cả. Có một hai lần cũng bị con bọ xít nhỏ bám vào vai áo nhưng chẳng thấy bị đốt, hua tay là nó bay đi thôi. Tôi chỉ mong các nhà báo viết về đề tài này cũng nên đi thực tế tìm hiểu kỹ, chờ các có kết luận chính thức từ các ngành chức năng. Đừng đưa tin chung chung khiến dư luận hoang mang. Đọc xong bài báo Bọ xít hút máu người - Nguy hiểm đến đâu?đăng trên báo Sức khỏe&Đời sống tôi thấy yên tâm nhiều. Văn Hậu Biện pháp xử trí khi bị bọ xít đốt và cách phòng chống bọ xít - Người bị bọ xít đốt nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, cố gắng không gãi chỗ bị đốt và đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. - Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh sáng chiếu vào. - Do loại bọ xít này thường trốn ánh sáng chui vào các kẽ tủ, giường nên người dân cần dùng đèn pin để thường xuyên kiểm tra. Nếu phát hiện bọ xít và trứng bọ xít nên diệt ngay. - Ở khu vực đã phát hiện bọ xít hút máu, người dân cần thường xuyên mắc màn khi ngủ và giắt màn cẩn thận để tránh bọ xít có thể chui vào đốt. - Có thể phun hóa chất diệt côn trùng đang sử dụng rộng rãi trong y tế như: permethrin, fendona 10SC, ICON,... |
Anh Tuấn (thực hiện)