Chúng không chỉ làm xấu bề mặt da mà còn làm cho người bệnh mặc cảm và tự ti trong cuộc sống. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền vết thương. Tùy theo mức độ tổn thương, khả năng can thiệp, vị trí tổn thương trên cơ thể... có thể để lại các loại sẹo khác nhau: sẹo bình thường hay sẹo không bình thường.
Một số loại sẹo thường gặp
Sẹo lồi: Thường do cơ địa sẹo lồi hoặc do ảnh hưởng di truyền. Sẹo lồi (keloid) thường hay gặp ở người từ 15 - 40 tuổi, nữ hay gặp hơn nam và có yếu tố di truyền rõ. Sẹo lồi thường khởi phát sau một tổn thương ở da, có thể là tổn thương trên diện tích rất nhỏ như: trứng cá, thủy đậu, hạt cơm, côn trùng cắn, vết tiêm phòng hoặc sau phẫu thuật. Vì vậy, có thể gặp ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng hay gặp ở những vùng da căng, cử động như ngực, lưng, bả vai và cũng có thể ở những vùng ít di động và ít sức căng như dái tai. Thường sẹo lồi ít gặp ở người già và trẻ em, người có da sẫm màu dễ bị hơn là người da trắng. Nguyên nhân gây ra sẹo lồi hiện nay vẫn chưa rõ. Một số tác giả đặt ra giả thuyết do sự thay đổi tín hiệu tế bào kiểm soát phát triển và tăng sinh tổ chức, mất cân bằng giữa quá trình đồng hóa và dị hóa trong tiến trình lành vết thương.
Sẹo phì đại: Sau khi da bị tổn thương, quá trình lành da thường để lại sẹo phẳng. Đôi khi vết sẹo phì đại hoặc dày lên nhưng chỉ giới hạn đến mép vết thương. Trong giai đoạn đầu, sẹo phì đại cũng phát triển to lên thành khối cứng, màu đỏ, cũng gây ngứa, đau, khó chịu cho người bệnh, vì vậy, ở giai đoạn này, trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt giữa một sẹo phì đại với một sẹo lồi thực sự. Vết sẹo phì đại có xu hướng đỏ hơn và tự giảm dần (có thể mất một năm hoặc nhiều hơn). Sẹo phì đại có thể gặp ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, bất kỳ giai đoạn phát triển nào của cơ thể; không có yếu tố cơ địa, yếu tố gia đình và không có sự khác biệt về tỷ lệ bị sẹo giữa nam giới và nữ giới. Điều đặc biệt, các phẫu thuật sửa sẹo (đúng cách) với sẹo phì đại thực sự thường có kết quả tốt về mặt thẩm mỹ.
Sẹo quá phát: Vết sẹo ngày càng giãn ra, to dần và đầy lên; thường xuất hiện ở một số nơi đặc biệt của cơ thể như vùng vai, trước ngực, trên rốn hay sau này. Thường phát triển trên nền một sẹo cũ do tổ chức xơ phát triển quá mức nhưng vẫn nằm trong giới hạn của tổn thương ban đầu, sẹo quá phát không tái phát sau khi cắt bỏ. Nguyên nhân do tự phát hoặc có tác nhân can thiệp vào quá trình liền viết thương như quá căng, toác vết mổ, nhiễm khuẫn vết mổ; vết thương tại các vùng khớp vận động, ngực, vai.
Sẹo lõm: Sẹo lõm là tổ chức nguyên bào bị tổn thương ở lớp trung bì. Khi làn da bị mụn trứng cá hay thủy đậu sẽ gây ra tổn thương lớn ở các tổ chức collagen khiến cho quá trình làm liền vết thương bị ức chế và để lại sẹo lõm vĩnh viễn
Sẹo co kéo: Sẹo co kéo là sự xuất hiện sẹo bất thường khi một vùng lớn của da bị mất hoặc phá hủy. Sẹo này hình thành sẽ co kéo bờ của da vào với nhau, gây ra vùng da bó chặt. Giảm diện tích da hậu quả có thể gây ảnh hưởng đến cơ, khớp, gân gây giảm vận động.
Điều trị sẹo như thế nào?
Dù bằng phương pháp điều trị gì, sẹo không thể loại bỏ hoàn toàn. Điều trị phù hợp cho từng loại sẹo sẽ giúp cho sẹo được hạn chế và gần trở về với cấu trúc da xung quanh.
Băng ép: Băng giúp tác động liên tục áp lực lên sẹo trong 4-6 tháng giúp cho sẹo hạn chế phát triển về kích thước.
Tiêm mỡ hoặc collagen, hyaluronic acid tại chỗ: Áp dụng tốt trong điều trị sẹo lõm. Kết quả điều trị thường tạm thời và cần phải điều trị nhắc lại.
Tiêm corticoid tại chỗ: Tiêm thuốc corticoid vào nơi tổn thương giúp làm sẹo trở nên mềm và phẳng hơn. Nhưng phương pháp này cần điều trị dài ngày và có một số tác dụng phụ do dùng corticoid gây nên. Là phương pháp hiệu quả tốt trong điều trị sẹo quá phát và sẹo lồi.
Điều trị lạnh bằng nitơ lỏng: Giúp giảm kích thước sẹo bằng cách làm đông băng sẹo. Bong da bằng hóa chất.
Laser: Áp dụng giống như bào da, giúp lấy bỏ lớp nông của da với mức độ khác nhau tùy từng loại laser. Một số loại laser mới hiện nay có khả năng tác động đến sợi collagen ở trung bì mà không làm tổn thương lớp thượng bì bên trên.
Phẫu thuật: Mặc dù không giúp xóa mất sẹo, điều trị phẫu thuật giúp sửa lại hình dạng và giúp sẹo đỡ được nhận ra hơn. Tuy vậy, phẫu thuật không nên áp dụng cho các trường hợp sẹo quá phát và sẹo lồi do tăng nguy cơ xuất hiện sẹo nặng hơn trước điều trị. Các phương pháp có thể áp dụng trong điều trị sẹo bằng phẫu thuật là cắt bỏ, tạo đường khâu mới, ghép da rời, chuyển vạt da, xoay da hình chữ Z, giãn da.
Tia xạ: Tia xạ nông, liều thấp giúp điều trị phòng tái phát sẹo quá phát hoặc sẹo lồi. Chỉ áp dụng trong điều trị trường hợp nặng vì có nhiều tác dụng phụ.
Phương pháp khác: Tiêm silicone tại đáy của sẹo lõm, dùng các interferon tiêm tại chỗ.
Làm thế nào để có một vết sẹo thẩm mỹ?
Để có được một vết sẹo mang tính chất thẩm mỹ, ngoài các yếu tố vị trí, cơ địa..., người bệnh cần hết sức chăm sóc vết thương theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh để tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra. Ngoài ra, việc sát trùng vết thương và bôi kem thường xuyên để giữ cho vết thương không bị khô cũng sẽ giúp chóng lành và ít sẹo hơn. Chú ý không nên gỡ mày vết thương trước khi tự nó rụng. Hành động này làm vết thương lâu lành hơn và hay để lại sẹo xấu. Không nên thường xuyên sờ vào vết sẹo mới hình thành. Không nên ăn tôm, cua, xôi nếp...; Nên bổ sung đạm, vitamin C, nhất là kẽm trong quá trình hình thành sẹo; Không nên để nắng rọi vào vết thương. Ánh nắng có tác dụng làm khô vết thương khiến nó lâu lành hơn; Kem hoặc dầu thường giúp vết thương không bị khô, đồng thời có tác dụng che chở làn da mới để không bị những xây xát. Hiện có rất nhiều loại kem bôi sẹo trên thị trường, người bệnh nên xin tư vấn của bác sĩ để sử dụng đúng cách và hiệu quả.