Hà Nội

Loại bỏ đốt vàng mã: Cần truyền thông, dân vận tốt

09-03-2018 07:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Với quan niệm “trần sao âm vậy”, trong lễ hội hoặc ngày lễ, Tết; người dân nước ta thường đốt vàng mã có mô hình nhà lầu xe hơi, tiền, vàng... để người đã khuất sử dụng ở cõi âm.

Tuy nhiên, việc đốt vàng mã không có trong tín ngưỡng, văn hóa Phật giáo, lại dễ gây hỏa hoạn, lãng phí tiền của. Vì thế, Bộ VH-TT&DL, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị người dân loại bỏ đốt vàng mã tại lễ hội, đền, chùa... để đảm bảo truyền thống văn hóa.

Mê tín dị đoan, châm ngòi hỏa hoạn

Theo Đại đức Thích Lệ Minh, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Thiện Mỹ (TP.HCM), tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ thời nhà Hán của Trung Quốc, sau đó tục lệ này du nhập nước ta. Với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế. Một số người vì thế đã sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ, Tết để người chết sử dụng ở cõi âm. Việc làm đó đôi khi thái quá, người ta có thể sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động... để cúng nhưng trong đạo lý, tín ngưỡng, kinh sách Phật không hề dạy đốt vàng mã.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên bày tỏ quan điểm, trước đây ở góc độ tâm linh, người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên. Song giờ đây suy nghĩ mê tín dị đoan “trần sao âm vậy” nên họ đốt vàng mã quá nhiều và đốt đủ thứ một cách sa đà, lãng phí gây nên nhiều hệ lụy, làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu. Trong khi đó, Đại đức Thích Thiện Hạnh, trụ trì chùa Vinh Phúc (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho rằng, nếu người cõi âm chỉ mong chờ ngày lễ, Tết hay giỗ chạp để được cúng đồ vàng mã thì những tháng ngày còn lại người cõi âm ăn, mặc, ngủ, nghỉ ở đâu? Vì thế, đốt vàng mã là hành vi mê tín dị đoan, đồng thời đưa đến kết quả tai hại trong đời sống gia đình lẫn xã hội.

Loại bỏ đốt vàng mãThời gian qua, nhiều người dân khi tham gia lễ hội, lễ đền, chùa...vẫn có thói quen đốt vàng mã với quan niệm “trần sao âm vậy”.

Theo thống kê, tại TP.HCM năm 2017 có gần 10 vụ cháy nhà do đốt vàng mã làm 20 người chết và nhiều người bị thương. Gần đây nhất, một gia đình ở quận Tân Phú (TP.HCM) đem vàng mã ra trước cửa nhà để hóa, từ đây các tàn lửa từ đã bay vào đống mút xốp để gần đó rồi bùng lên thành một đám cháy lớn lan sang 7 căn nhà khác làm cả khu dân cư náo loạn. Đặc biệt, trung tuần tháng 2/2018, vụ cháy rừng tại núi Sơn Đảo (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) khiến 2,5ha rừng tạp bị ngọn lửa thiêu rụi, trong đó nguyên nhân ban đầu nhà chức trách xác định do người dân sơ ý khi đốt vàng mã để ngọn lửa bùng phát dẫn đến cháy rừng. Ngoài ra, nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng do người dân đốt vàng mã từng diễn ra tại Bình Định, TP. Huế, Hải Dương khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng...

Nên giữ hay bỏ?

Liên quan đến việc đốt vàng mã trong mùa lễ hội tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có Công văn số 31 gửi các cơ sở trực thuộc trên cả nước. Trong công văn này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chư Tôn đức Tăng Ni cần nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Ở cấp quản lý nhà nước, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) gần đây cũng có Công văn 91 gửi các Sở VH,TT&DL trên cả nước siết chặt tình trạng rải tiền lẻ, đốt vàng mã của người dân khi tham gia các lễ hội truyền thống.

Trên thực tế, để hạn chế tình trạng đốt đồ mã của người dân, tại Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Điểm c, Khoản 1, Điều 18 đã quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác”. Tuy nhiên đến nay, hành vi đốt vàng mã tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa... vẫn diễn ra và chưa có trường hợp nào bị xử phạt.

Đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự. Để đầy lùi, loại bỏ hành vi đốt vàng mã cần có thời gian, sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt từ các phương tiện truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của mình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, việc hạn chế và không để người dân đốt vàng mã có thể sẽ ảnh hưởng tới các làng nghề, hộ gia đình đang sống bằng nghề làm vàng mã và những đồ thờ cúng. Do đó, chúng ta cần làm tốt công tác truyền thông, làm tốt công tác dân vận và cái gì có lợi cho dân thì dân sẽ ủng hộ. Nếu quá đường đột cấm đoán sẽ dễ tạo hiệu ứng ngược, nguy cơ và biến tướng từ việc đốt vàng mã trong người dân càng khó kiểm soát hơn.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn