Lo 'vỡ trận' khi khai hội Lễ hội Chùa Hương 2023, Hà Nội có phương án gì?

11-01-2023 08:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn lưu ý, sau 2 năm lễ hội dừng tổ chức nên đã tạo "sức nén" rất lớn trong dân, dễ "bung tỏa" nhu cầu tham quan, trẩy hội. Chính vì vậy, huyện Mỹ Đức cần tính toán nhiều phương án, tránh "vỡ trận"

Tại cuộc họp về công tác tổ chức và quản lý Lễ hội Chùa Hương năm 2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh – Trưởng BTC Lễ hội Chùa Hương năm 2023 thông tin, năm nay Lễ hội Chùa Hương khai hội từ 27/1 và kéo dài đến hết 23/4 (tức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết mùng 4/3 Âm lịch). Đồng thời, ông Cảnh cũng khẳng định, đến nay công tác chuẩn bị cho lễ hội cơ bản đã hoàn tất.

Để phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, BTC đã thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát và 1 tổ kiểm tra liên ngành được phân công theo từng nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, BTC cũng ứng dụng công nghệ trong việc in vé, kiểm soát vé qua mã QR-Code nhằm tạo điều kiện cho du khách đến du xuân một cách thuận lợi nhất.

Lo 'vỡ trận' khi Lễ hội Chùa Hương 2023 diễn ra, Hà Nội đưa ra lưu ý gì? - Ảnh 1.

Lễ hội chùa Hương năm 2023 sẽ khai hội vào ngày 6 Tết Quý Mão.

Trong mùa lễ hội năm nay, BTC sẽ đưa dịch vụ xe điện vào vận hành thử nghiệm với 3 tuyến gồm: Bến xe Hội Xá - Bến đò Yến Vỹ; Bến xe Đục Khê - Bến trượt Đồng Cừ; Bến xe đường số 1 - Bến đò chùa Tuyết Sơn. Công tác định giá, khảo sát hạ tầng tuyến xe điện đã được hoàn thành vào ngày 9/1; đồng thời, điều phối giao thông, xuồng đò; bỏ 2 cổng bán vé: Tiên Mai, Đục Khê; nâng cấp các bãi đậu xe, xây dựng phương án điều tiết, nhằm giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhân dân du Xuân, trẩy hội thêm ý nghĩa, huyện Mỹ Đức đã triển khai banner mã QR, lắp đặt Wifi… phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử văn hóa di tích, Lễ hội Chùa Hương; huy động 4.500 xuồng, đò đáp ứng nhu cầu di chuyển trên suối Yến của du khách. Các hành vi chèo kéo, ép giá, tranh giành khách, đổi tiền lẻ, cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan… sẽ được kiểm soát, xử lý nghiêm bởi 4 tổ an ninh trật tự, thường trực tại các điểm trọng yếu, như: Khu vực Thiên Trù - Hương Tích - Giải Oan, khu vực bến đò Thiên, khu vực đền Trình - bến Yến, khu vực trung tâm xã Hương Sơn - tuyến chùa Thanh Sơn - Long Vân - Tuyết Sơn.

Sau khi lắng nghe báo cáo của huyện Mỹ Đức và BTC Lễ hội Chùa Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn lưu ý, sau 2 năm Lễ hội dừng tổ chức, tạo "sức nén" rất lớn trong dân, dễ "bung tỏa" nhu cầu tham quan, trẩy hội trong dịp này. Chính vì vậy, huyện Mỹ Đức cần tính toán đến các phương án dự phòng, huy động lực lượng, triển khai diễn tập nhuần nhuyễn, tránh "vỡ trận", nhất là vấn đề ùn tắc, chen lấn hay quá tải bến bãi trông gửi xe, phòng, chống dịch bệnh...

Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, bên cạnh việc đảm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, cần chú trọng xuyên suốt trong Lễ hội là thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong không gian di tích. Ngay từ bây giờ, địa phương và các đơn vị cần lên các kế hoạch về tuyên truyền, giáo dục, vận động nội dung này với sự tham gia của Giáo hội Phật giáo, trụ trì chùa Hương… thông qua các buổi nói chuyện với Phật tử, các chương trình tuyên truyền trên hệ thống báo chí…, góp phần nâng cao ý thức từ lời nói, trang phục, hành vi ứng xử trong lễ hội.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8/1/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn