Lò vi sóng cũ phát bức xạ?
Lò vi sóng là sản phẩm tiện dụng có mặt ở rất nhiều gia đình. Tuy vậy, không ít người vẫn nghi ngại về tính an toàn của nó, đặc biệt là những sản phẩm lò vi sóng dùng lâu năm, đã cũ.
Bà Lê Thị Thơm (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng, lò vi sóng nhà bà dùng đã hơn chục năm vẫn chưa hỏng, gần đây đọc trên mạng bà thấy có thông tin lò vi sóng cũ rất nguy hại cho sức khỏe. Bà băn khoăn không biết có nên thay lò vi sóng mới, và lò vi sóng mới thì có ảnh hưởng gì cho sức khỏe khi nó sử dụng bức xạ điện từ.
Lò vi sóng (hay còn gọi là lò vi ba) là một thiết bị điện gia dụng ứng dụng sóng vi ba, giúp công việc nấu nướng của các bà nội trợ trở nên đơn giản hơn. Lò vi sóng sử dụng công nghệ vi sóng với các tia sóng viba để làm chín thức ăn từ trong ra ngoài. Sóng vi ba trong lò vi sóng là các dao động của điện từ với tần số thường ở 2,450 MHz, tầm phát sóng xa cỡ 12,24 cm. Nguồn sóng đi qua ống dẫn sóng vào tới khoang nấu, sau đó phản xạ qua lại giữa các bức vách. Thực phẩm được xoay tròn trên đĩa quay để tiếp nhận đồng đều lượng sóng đó.
TS Nguyễn Văn Khải, chuyên gia vật lý cho biết, lò vi sóng là một trong những thiết bị điện tử phát ra bức xạ trường điện từ - EMF. Đây là một dạng bức xạ không ion hóa (tần số nằm ở khoảng giữa sóng vi ba và sóng vô tuyến), tuy vô hình nhưng có thể đo được bằng máy đo EMF cầm tay. Các nguồn EMF phổ biến trong nhà bao gồm tivi, điện thoại di động, máy tính, đồng hồ thông minh, wifi, lò vi sóng, đường dây điện, dây điện...
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, lò vi sóng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, được thiết kế khá an toàn để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bức xạ lò vi sóng là bức xạ EMF tần suất rất thấp nên gần như không ảnh hưởng đến người sử dụng.
Lò vi sóng cũ không an toàn cho sức khỏe khi cửa bị nứt, vỡ hoặc biến thế, các tụ bên trong lò quá cũ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. "Trường hợp cửa bị nứt, vỡ mà vẫn sử dụng thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng là có. Do vậy nếu lò vi sóng vẫn hoạt động tốt nhưng cửa bị nứt, vỡ thì tốt nhất nên thay lò mới. Để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ thì phải kiểm tra bảo dưỡng định kỳ các chi tiết bên trong lò, vệ sinh sạch lò sau khi sử dụng. Các lò vi sóng sử dụng trên 5 năm, sau khi dùng, nhất thiết phải rút phích cắm điện để đảm bảo an toàn khi không sử dụng, phòng ngừa cháy nổ", KS Nguyễn Huy Bạo khuyên.
Kiểm tra lò vi sóng bằng điện thoại có thể gây nổ tung
Theo chia sẻ ở một số diễn đàn mạng, để kiểm tra rò rỉ bức xạ của lò vi sóng đầu tiên nên đặt điện thoại vào lò vi sóng và đóng cửa (không bật lò). Sau đó dùng một điện thoại khác gọi vào chiếc điện thoại đặt bên trong lò. Nếu chiếc điện thoại trong lò không đổ chuông thì lò vi sóng còn tốt và có thể hoàn toàn yên tâm.
Còn ngược lại, nếu chiếc điện thoại trong lò đổ chuông hãy cân nhắc mua một chiếc lò vi sóng mới để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho gia đình. Nguyên nhân là vì lò vi sóng có tác dụng như một lồng cách điện nó sẽ không cho sóng điện từ lọt vào, trừ khi lò bị rò rỉ bức xạ.
Hoảng hốt với cách tư vấn này, KS Nguyễn Huy Bạo khẳng định: "Đừng, tuyệt đối không bao giờ thử lò vi sóng với điện thoại. Tư vấn này chắc chắn là trôi nổi trên mạng chứ không có cơ sở khoa học nào. Điện thoại di động cho vào lò vi sóng, khi bật lò lên sẽ phát nổ tung tóe, thậm chí gây tử vong với người đứng gần bởi sức nổ rất lớn. Lý do là sóng điện từ sẽ kích hoạt pin trong điện thoại phát nổ do làm tăng nhiệt độ quá mức trong thời gian ngắn. Người dùng tuyệt đối không bao giờ áp dụng cách này để tránh rủi ro đến tính mạng", KS Nguyễn Huy Bạo nói.
Sử dụng lò vi sóng đúng cách cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất. Không nên sử dụng chảo kim loại hoặc giấy nhôm vì vi sóng phản xạ lại chúng, khiến thức ăn chín không đều và có thể làm hỏng lò. Trong trường hợp nước, khay đựng đồ ăn quá nóng, thì nên sử dụng khăn tay bắt nồi cách nhiệt để tránh bị bỏng.
Đặt lò vi sóng cao hơn nền nhà ít nhất 80cm, cách tường 10 - 15cm, cách trần ít nhất 40cm để thông gió. Tuyệt đối không đặt lò vi sóng dưới đất, những nơi có độ ẩm cao, gần những vật liệu dễ cháy nổ hoặc nhiệt độ cao; Không nên dùng lò vi sóng trong phòng có bật điều hòa và không nên đặt gần các đồ điện khác.
Thường xuyên vệ sinh lò vi sóng bằng cách cho một bát nước cốt chanh vào lò đun khoảng 5 - 7 phút. Ngắt nguồn điện trước khi làm vệ sinh lò. Không mở cửa lò vi sóng nhiều lần trong khi nấu. Khi đóng cửa lò, cần đảm bảo cửa lò khép chặt và kín; Rút phích cắm của lò vi sóng ra khỏi ổ điện khi không sử dụng để tránh hao tổn điện năng; Chọn mức công suất phù hợp với các món ăn khác nhau; Nấu và hâm thức ăn ở lò vi sóng đúng cách theo như hướng dẫn sử dụng sản phẩm.
Lò vi sóng là một sản phẩm nằm trong danh mục các thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm yêu cầu về an toàn theo QCVN 4:2009/BKHCN cho nên việc Công bố chứng nhận hợp quy lò vi sóng là việc làm mang tính chất bắt buộc.
Theo quy định thực hiện chứng nhận hợp quy thiết bị điện – điện tử thì việc Công bố chứng nhận hợp quy lò vi sóng cần thực hiện như sau: Về yêu cầu an toàn: Lò vi sóng phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-25:2007 (IEC 60335-2-25: 2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. An toàn. Phần 2-25: Yêu cầu cụ thể đối với lò vi sóng, lò vi sóng kết hợp.
Đơn vị sẽ tiến hành thử nghiệm mẫu và đánh giá hợp quy theo phương thức 5 đối với hàng sản xuất (chứng nhận có hiệu lực 3 năm) và theo phương thức 7 đối với hàng nhập khẩu (chứng nhận có hiệu lực với lô hàng).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 27/5.