Hà Nội

Lộ trình khôi phục hoạt động vận tải ở hai thành phố lớn nhất cả nước sau giãn cách xã hội vì dịch COVID-19

19-09-2021 07:13 | Thị trường
google news

SKĐS - Sau khi thống nhất, Bộ GTVT đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, không gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải cả trong địa bàn và quy mô liên tỉnh đang được Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố xây dựng nhằm thống nhất phương án vận tải, lưu thông hàng hóa trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 và khi các địa phương nới lỏng giãn cách.

Hà Nội quét QR code qua camera tại 67 chốt kiểm dịch, xe buýt sắp hoạt động trở lại

Lộ trình khôi phục hoạt động vận tải ở hai thành phố lớn nhất cả nước sau giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Xe buýt Hà Nội sắp được hoạt động trở lại sau thời gian phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.


Tại TP. Hà Nội, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng, đơn vị này đang tập trung xây dựng phương án mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh theo các hướng dẫn liên quan của Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Công an TP. Hà Nội đang xây dựng triển khai hệ thống camera quét mã tự động tại 23 chốt kiểm soát để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện lưu thông.

Những chiếc camera quét mã QR code đã được lắp đặt tại 67 chốt kiểm soát ra vào thành phố. Đây là phần mềm được xác thực bởi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể xác định được các trường hợp F0, F1 và những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine để hạn chế hoặc cho phép công dân nhanh chóng qua chốt, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn COVID-19 xâm nhập nội đô.

Hiện Sở Giao thông Vận tải đã đưa ra lộ trình thời gian khôi phục lại hoạt động xe buýt, đi kèm với bộ tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

TP.HCM xây dựng phương án khôi phục hoạt động vận tải

Lộ trình khôi phục hoạt động vận tải ở hai thành phố lớn nhất cả nước sau giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Sẽ từng bước khôi phục vận tải sau thời gian giãn cách xã hội. Ảnh minh họa


Sở GTVT TPHCM cho biết, từ nay đến cuối tháng 9, Thành phố vẫn giữ nguyên các biện pháp giãn cách xã hội. Từ 1/10, căn cứ vào tình hình thực tế, việc kiểm soát dịch bệnh có thể tạm thời chia làm 3 giai đoạn: Từ 1-31/10, từ 1/11/2021-15/1/2022 và sau ngày 15/1/2022.

Hiện, Sở GTVT TPHCM đang xây dựng dự thảo về tổ chức giao thông từng giai đoạn và tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải. Sở cũng tổng hợp danh sách các lái xe vận tải để chuyển cho Sở Y tế, Sở TT&TT phối hợp triển khai cùng các địa phương tổ chức tiêm vaccine.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trên địa bàn thành phố, làm cơ sở mở dần các hoạt động giao thông trở lại trong giai đoạn "bình thường mới".

Có 10 tiêu chí được đưa ra để tính Chỉ số an toàn. Để được phép hoạt động, đơn vị phải không có tiêu chí bắt buộc nào bị điểm 0 và chỉ số an toàn từ 70% trở lên.

Đối với đơn vị có chỉ số an toàn từ 60% trở lên và không có tiêu chí bắt buộc bị điểm 0 sẽ được phép hoạt động nhưng phải cam kết khắc phục để đạt chỉ số an toàn tối thiếu 70% trong vòng 2 ngày, nếu không đạt phải tạm dừng hoạt động.

Trường hợp chỉ số an toàn dưới 60% hoặc có ít nhất 1 tiêu chí bắt buộc không đạt (bị điểm 0) không được phép hoạt động.

Trong các tiêu chí bắt buộc, tiêu chí 1 là người phục vụ, lái xe phải đáp ứng điều kiện về tiêm vaccine phòng COVID-19. Tiêu chí bắt buộc thứ 2 là lái xe, nhân viên phục vụ trên xe xét nghiệm theo định kỳ.

Các tiêu chí bắt buộc tiếp theo gồm: Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5; trang bị dung dịch rửa tay, khử khuẩn cho xe và thùng rác có nắp đậy trên xe.

Hai tiêu chí bắt buộc còn lại gồm: Hạn chế số lượng người trên xe đúng theo quy định và có thông tin khuyến cáo và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

4 tiêu chí bổ sung gồm: Có thành lập ban chỉ đạo (tổ công tác), có kế hoạch an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị; vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến; mức độ thông thoáng của phương tiện; có vách ngăn giữa người điều khiển phương tiện và hành khách.

Trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị kịch bản nới lỏng giãn cách và các quy định phòng chống dịch, Bộ Giao thông Vận tải giao các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên cả 5 lĩnh vực giao thông vận tải để hướng dẫn triển khai thực hiện trong tình hình mới với tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt, đánh giá kỹ mọi tác động.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.




Nguyễn Tuấn
Ý kiến của bạn