Hà Nội

Lộ trình hướng tới chấm dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và kiểm soát dịch bền vững

25-08-2024 13:20 | Xã hội

SKĐS – Để hướng tới đạt được các mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, cần phải xây dựng lộ trình bền vững hướng tới chấm dứt dịch bệnh và kiểm soát dịch bền vững sau năm 2030.

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về phòng, chống HIV được quốc tế đánh giá cao

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến thời điểm hiện tại cả nước phát hiện gần 250.000 người nhiễm HIV, trong đó, 234.220 trường hợp biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Trong số bệnh nhân đang điều trị ARV có 82% được làm xét nghiệm tải lượng HIV (theo dõi hiệu quả điều trị ARV). Kết quả 98,3% người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/mL máu). Kết quả này vượt chỉ tiêu 95% trong Chiến lược quốc gia hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030.

Bên lề Hội nghị khoa học quốc tế về AIDS 2024 tại cộng hòa liên bang Đức mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị, bà Christine Stegling, Phó Giám đốc Điều hành về Chính sách, Vận động chính sách và Kiến thức của UNAIDS đã chúc mừng Việt Nam, vì những thành tựu đã đạt được trong đáp ứng với HIV, giảm được 60% các ca nhiễm HIV mới kể từ năm 2010, có những bước tiến mạnh mẽ trong việc đưa các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV vào áp dụng và nhanh chóng mở rộng tại Việt Nam.

Lộ trình hướng tới chấm dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và kiểm soát dịch bền vững- Ảnh 1.

ThS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại Hội thảo tham vấn Xây dựng lộ trình bền vững hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và kiểm soát bền vững sau năm 2030.

Việt Nam đã cung cấp tất cả các phương cách xét nghiệm HIV hiện có và đặc biệt đẩy mạnh tự xét nghiệm; thí điểm và mở rộng cấp phát thuốc methadone nhiều ngày; nhanh chóng mở rộng độ bao phủ chương trình PrEP thông qua việc đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ; thí điểm mua dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng và xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, năng lực cho nhân viên y tế và nhân viên tiếp cận cộng đồng để cung cấp dịch vụ giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV cho người sử dụng ma túy tổng hợp và người sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục; làm tốt chuyển đổi thành công điều trị HIV sang nguồn BHYT để bảo đảm tính bền vững của chương trình. Ghi nhận năm 2023 đã có hơn 96% người có HIV đang điều trị ARV tham gia BHYT.

Việt Nam dẫn đầu trong công tác triển khai thông điệp K=K, là nước đầu tiên trong khu vực và các nước được PEPFAR hỗ trợ ký cam kết triển khai hoạt động này; dẫn đầu khu vực châu Á về việc triển khai chiến lược sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với nhiều mô hình linh hoạt và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau.

Nhiều khó khăn đang cản trở lộ trình kiểm soát dịch

Tại Hội thảo tham vấn Xây dựng lộ trình bền vững hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và kiểm soát bền vững sau năm 2030, do Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mới đây tại Bình Định, ThS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, một trong những nguyên nhân dịch HIV chưa được kiểm soát, do quần thể MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) đang gia tăng với tốc độ lây nhanh, nhưng độ bao phủ dịch vụ HIV/AIDS cho nhóm này còn hạn chế.

Thời gian qua, HIV/AIDS đã thuyên giảm ở nhóm nghiện chích ma túy (9%) và phụ nữ bán dâm (2,4%), nhưng lại tăng trong nhóm MSM (mặc dù hiện tại đã chững lại), nhưng vẫn ở mức cao nhất trong các nhóm (12,5%), và là nhóm "dẫn dắt" dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.

Số người phát hiện nhiễm HIV mới hàng năm còn cao (năm 2023 là 13.445 người), còn xa so với mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS (<1.000 người nhiễm HIV được phát hiện mới hàng năm). Nhiều yếu tố nguy cơ đe dọa tính bền vững của các thành quả phòng chống HIV/AIDS (ma túy, nghiện chất, lối sống, công nghệ số, giảm đầu tư và cả yếu tố chủ quan…).

Lộ trình hướng tới chấm dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và kiểm soát dịch bền vững- Ảnh 2.

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tại Việt Nam phát biểu.

Về tài chính, tại Hội thảo, ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tại Việt Nam cho biết, ước tính nguồn lực của UNAIDS vào tháng 7/2024, khoảng thiếu hụt về nguồn lực tài chính cho HIV đang tăng dần, và sẽ thiếu hụt khoảng 9,5 tỉ USD cho đáp ứng với HIV đến năm 2025. Trong khi đó, nguồn lực của quốc tế hỗ trợ đáp ứng với HIV ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã giảm 17% kể từ năm 2013. Nguồn lực trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đã chững lại kể từ năm 2018. Do đó, các quốc gia cần có lộ trình hướng đến duy trì bền vững đáp ứng với HIV.

Những giải pháp xây dựng lộ trình bền vững kiểm soát HIV/AIDS

ThS. Võ Hải Sơn cho biết, để ngăn chặn lây nhiễm mới HIV, kiểm soát tốt dịch bệnh AIDS, Việt Nam đã đưa ra các giải pháp ưu tiên bảo đảm kết thúc AIDS và bảo đảm kiểm soát bền vững. Cụ thể, đề cao những cam kết chính trị và lãnh đạo thực hiện; xây dựng các kịch bản chính; xác định đối tượng ưu tiên; áp dụng ứng dụng thành tựu khoa học: K=K, PrEP, can thiệp Chemsex…; lấy con người làm trung tâm và thiết kế dịch vụ lấy con người làm trung tâm…

Theo ông Quinten Lataire, cần huy động các nỗ lực chung và thúc đẩy những chuyển biến mạnh mẽ hướng tới đáp ứng bền vững với HIV, để đạt được và duy trì tác động khống chế dịch HIV trong giai đoạn sau năm 2030, thông qua bảo đảm quyền về sức khỏe cho mọi người dân.

Lộ trình hướng tới chấm dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và kiểm soát dịch bền vững- Ảnh 3.

TS. Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Định hướng và vai trò của PEPFAR trong hỗ trợ lộ trình bền vững phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, TS. Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, để đảm bảo cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS bền vững, việc quan trọng nhất là Việt Nam cần chủ động xây dựng lộ trình tài chính bền vững đáp ứng với HIV. PEPFAR cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong từng bước xây dựng quá trình này. Chúng tôi biết rằng sắp tới sẽ tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc… nhưng PEPFAR cam kết sẽ hợp tác với các cơ quan Liên Hợp quốc, Cơ chế Điều phối thuốc Quốc gia, Quỹ Toàn cầu, các tỉnh, thành phố và các nhà tài trợ khác để xây dựng một lộ trình tài chính bền vững.

Được biết, 20 năm qua, kể từ khi PEPFAR hợp tác với Việt Nam trong vai trò hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính, hơn 120.000 người sống chung với HIV được sống khỏe mạnh; chương trình phòng, chống HIV được triển khai với các mô hình, sáng kiến mới về dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe về Khung đánh giá thực trạng và lộ trình bền vững kiểm soát HIV/AIDS tại Việt Nam với mục tiêu chung là: Giảm số mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS; chấm dứt AIDS tại Việt Nam vào năm 2030; giảm tác động kinh tế - xã hội và nêu rõ các giải pháp kiểm soát HIV/AIDS bền vững tại Việt Nam…

Lộ trình hướng tới chấm dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và kiểm soát dịch bền vững- Ảnh 4.

Quang cảnh hội thảo.

Mời độc giả xem thêm:

Nỗ lực của y tế công cộng đã cứu khoảng 451.000 người không nhiễm HIVNỗ lực của y tế công cộng đã cứu khoảng 451.000 người không nhiễm HIV

SKĐS - Khoảng 451.000 người đã không bị nhiễm HIV trong 20 năm qua tại Việt Nam, nhờ những nỗ lực của y tế công cộng...


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn