Dù không công bố cụ thể số lượng máy bay được chuyển giao, UAC vẫn ca ngợi vai trò "xương sống" của Su-34 trong các chiến dịch không kích, nhất là tại chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, đằng sau thông báo này là nhiều dấu hỏi về năng lực sản xuất thực sự của Nga, cũng như hiệu quả của Su-34 trước hệ thống phòng không hiện đại mà Ukraine đang sử dụng.

Máy bay ném bom chiến đấu Su-34 của Nga. (Nguồn: RIA Novosti)
Su-34 là chiến đấu cơ hai chỗ ngồi, hai động cơ, có khả năng thực hiện các đòn tấn công chính xác ở cự ly xa, cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Được phát triển từ dòng Su-27, chiếc máy bay này có tầm bay lên tới 4.500 km không cần tiếp nhiên liệu, và có thể mở rộng lên 7.000 km nếu tiếp nhiên liệu trên không.
Nhờ buồng lái bọc thép, ghế ngồi cạnh nhau và hệ thống cảm biến hiện đại như Platan hay radar Belka-K (trên phiên bản Su-34M), Su-34 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ trinh sát, tác chiến điện tử cho đến không kích tầm xa.
Máy bay này có thể mang theo nhiều loại vũ khí, từ bom dẫn đường bằng laser KAB-500L và KAB-1500L, đến bom không điều khiển FAB-250/FAB-500 gắn bộ điều hướng UMPK giúp tăng tầm bắn lên 40–50 km. Về khả năng phòng vệ, Su-34 được trang bị tên lửa không đối không R-73 và R-77, cùng với hệ thống gây nhiễu điện tử mạnh, được đánh giá có thể sánh ngang với EA-18G Growler của Mỹ.
Theo dữ liệu nguồn mở từ Oryx, kể từ khi xung đột nổ ra năm 2022, ít nhất 41 chiếc Su-34 đã bị phá hủy hoặc hư hại tại Ukraine. Ngày 27/6, một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine đã phá hủy hai chiếc Su-34 và làm hỏng hai chiếc khác tại căn cứ không quân Marinovka ở Volgograd. Những vụ việc như vậy không còn là cá biệt, khi mà Ukraine liên tục nâng cấp hệ thống phòng không với sự hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là các hệ thống Patriot, Iris-T và các UAV cảm tử tầm xa.
Trong năm 2024, Ukraine từng tuyên bố bắn hạ ba chiếc Su-34 chỉ trong một ngày bằng hệ thống Patriot. Ngoài ra, việc máy bay phải sử dụng đường bay có thể dự đoán được để thả bom từ xa (dùng bộ UMPK) khiến chúng dễ trở thành mục tiêu cho tên lửa phòng không hoặc UAV tấn công.
Trước những tổn thất ngày càng lớn, Nga buộc phải tăng tốc sản xuất. Nhà máy hàng không Chkalov ở Novosibirsk hiện đang hoạt động 24/7, với ba ca mỗi ngày để đảm bảo tiến độ. Trong năm 2024, UAC đã bàn giao sáu đợt Su-34 và tiếp tục duy trì nhịp độ này trong năm 2025.
Sự ra đời của các tiêm kích Su-34 mới diễn ra trong thời điểm Ukraine chuẩn bị tiếp nhận thêm hàng chục tiêm kích F-16 và Mirage 2000-5F từ các nước NATO, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2025. Điều này khiến Nga đứng trước thách thức kép: vừa phải bù đắp tổn thất, vừa phải đối phó với một đối thủ ngày càng được trang bị tốt hơn.
Chiến dịch "Mạng nhện' của Ukraine hồi tháng 6/, nhắm vào các sân bay quân sự chiến lược của Nga, là ví dụ rõ ràng cho thấy Kiev đang ngày càng chủ động phản công, chứ không còn chỉ phòng thủ.
Dù vậy, Nga vẫn đặt cược vào Su-34 như một quân bài chiến lược. Trong các chiến dịch không kích, Su-34 thường được giao nhiệm vụ tấn công sở chỉ huy, kho đạn, tuyến tiếp tế và hạ tầng hậu cần của Ukraine. Loại bom nhiệt áp ODAB-500 cũng được sử dụng rộng rãi để phá hủy các công sự kiên cố.
Theo các chuyên gia quốc tế, việc tiếp tục sản xuất và bàn giao Su-34 cho thấy Nga quyết tâm duy trì năng lực không quân, nhưng vẫn chưa đủ để xoay chuyển cục diện.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) đánh giá rằng, dù Su-34 vẫn là nền tảng quan trọng trong chiến lược không kích của Nga, nhưng sự hỗ trợ vũ khí ngày càng lớn từ phương Tây dành cho Ukraine đã khiến cán cân sức mạnh trên không dần thay đổi.