Người dân rủ nhau 'đụng lợn'
“Đụng lợn” là một cách gọi dân dã, phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam. Đây là hình thức nhiều gia đình góp tiền mua chung một con lợn, rồi mổ ra chia phần cho từng nhà. Hình thức này dường như đã không còn tồn tại ở một số thành phố lớn, nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện trở lại do nhiều người lo ngại dịch tả lợn châu Phi.
Bà Lương Thị Lý (61 tuổi, Lào Cai) thường xuyên săn lùng lợn "sạch" để mua thay vì đi ra chợ hay siêu thị mua thịt lợn như trước. Lý do là bà lo sợ sẽ mua phải lợn mắc dịch tả châu Phi.
"Thấy báo chí đưa tin có những cơ sở làm ăn không đàng hoàng, thu mua lợn bệnh, lợn chết về mổ rồi bán cho người dân khiến tôi nơm nớp lo sợ. Tôi hiện đang ở Hà Nội trông cháu giúp con, nhưng phải liên hệ với người thân ở quê để tìm lợn sạch, rồi thuê người mổ, chia mỗi gia đình 1 ít để tủ lạnh ăn dần. Tiền thuê người mổ khoảng 400.000 - 500.000 đồng/con, tùy từng thời điểm", bà Lý chia sẻ.
Cũng theo bà Lý, tìm lợn sạch để "đụng" đang trở thành phong trào tại quê bà. "Không chỉ ở các thành phố lớn, người nhà quê chúng tôi cũng lo sợ ăn phải thịt lợn bệnh", bà Lý nói.

Nhiều gia đình đi tìm lợn "sạch" để mổ rồi chia nhau để tủ lạnh ăn dần. Ảnh: NVCC.
Còn bà Ngô Thị Dung (50 tuổi, Hà Nội) cũng cho hay: "Từ lâu, gia đình tôi đã thường xuyên "đụng" lợn ở quê (Thanh Hóa), rồi nhờ người gửi xe khách đến Hà Nội. Thi thoảng tôi mới phải ra chợ mua thịt lợn. Nhưng thời gian gần đây dịch tả lợn châu Phi bùng phát nên gia đình tôi quyết định không ra chợ mua thịt lợn nữa vì lo lắng mua phải lợn bệnh. Nếu không có thịt lợn "sạch" ở quê gửi ra thì gia đình tôi chuyển ăn cá, gà,…".
Bà Dung cho biết thêm, hiện lợn "sạch" ở quê bà không dễ kiếm như mọi khi, nguồn hàng khan hiếm hơn, khiến giá lợn cũng tăng lên vài giá.
Không chỉ bà Lý, bà Dung, hiện nhiều gia đình cũng có chung tâm lý muốn tìm lợn "sạch" để "đụng" vì sợ dịch tả lợn Châu Phi. "Giá cao nhưng ăn yên tâm. Gia đình có người già, trẻ nhỏ, chẳng may ăn phải lợn bệnh rồi cơ thể sinh bệnh tật thì không tiền nào có thể bù đắp", anh Thuấn (39 tuổi, Hà Nội) nói.
Theo ghi nhận của PV, hiện giá thịt lợn tại các siêu thị và chợ dân sinh có mức giá như sau: thịt mông sấn, thịt thăn là 110.000 đồng/kg; thịt nạc vai, sườn non giá 160.000 – 170.000 đồng/kg.

Giá bán thịt lợn tại chợ dân sinh mấy ngày gần đây có xu hướng giảm. Ảnh: Quỳnh Mai.
'Đụng lợn' cũng cần đảm bảo an toàn, vệ sinh
Anh Khánh (37 tuổi, Lào Cai) cho rằng việc "đụng" lợn giúp họ kiểm soát được nguồn thực phẩm đầu vào, không sợ thịt từ lợn bệnh hay lợn chết. Tuy nhiên, việc tự giết mổ lợn tại hộ gia đình cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nếu không đảm bảo quy trình vệ sinh. Chính vì vậy, việc "đụng" lợn chỉ làm giảm bớt nỗi lo ăn phải lợn bệnh chứ không đảm bảo được 100%.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, việc "đụng" lợn từng là hình thức phổ biến ở nông thôn từ xưa, ngày nay thường chỉ diễn ra vào những đợt lễ tết.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người cũng có tâm lý muốn tìm lợn "sạch" để ăn nên nhu cầu "đụng" lợn tăng lên. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát trong việc chọn mua lợn hay quá trình giết mổ thì chất lượng thịt vẫn chưa chắc đã được đảm bảo.
"Nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, nếu không kiểm soát được liệu có chính xác con lợn đó "sạch" thật hay không, thì rất có thể người dân sẽ vẫn ăn phải lợn bệnh. Chưa nói đến việc, chẳng may mổ phải lợn bệnh ở quê rồi vận chuyển lên các nơi khác, còn có thể làm lây lan dịch bệnh", PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, để an toàn, khi "đụng" lợn, người dân cần lưu ý:
- Chọn lợn có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch.
- Chọn nơi giết mổ hợp vệ sinh.
- Đảm bảo an toàn trong sơ chế, bảo quản.
- Nấu chín kỹ trước khi ăn.