‘Lộ’ phương án thi tốt nghiệp THPT 2025: Có bắt buộc phải thi Ngoại ngữ?

29-11-2023 14:28 | Xã hội

SKĐS - Mặc dù theo thông báo của Bộ GD&ĐT, vào 16h30 chiều nay Bộ mới công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tuy nhiên, hiện trên mạng xã hội đã rò rỉ phương án thi sẽ là 4 môn (2 môn bắt buộc và hai môn tự chọn).

Cụ thể, theo nội dung văn bản đang lan truyền trên mạng xã hội, từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

Giai đoạn 2025- 2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2023, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với môn thi trắc nghiệm ở một số địa phương có đủ điều kiện.

Lộ phương án thi tốt nghiệp THPT 2025: Không bắt buộc phải thi Ngoại ngữ- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 3 phương án thi để xin ý kiến rộng rãi gồm các phương án thi 4 môn, 5 môn và 6 môn. Cụ thể: Phương án 1: Lựa chọn: 2 + 2: thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 ( Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Phương án 2: Lựa chọn: 3 + 2: môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Phương án 3: Lựa chọn: 4 + 2: 4 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12

Tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực diễn ra ngày 14/11, Bộ GD&ĐT chính thức đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Phương án 2+2 với 4 môn thi. Theo đó, mỗi thí sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn; 2 môn còn lại thí sinh tự chọn trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Bộ GD&ĐT cho rằng, thi 4 môn là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất, đồng thời cũng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay.

Đề xuất của Bộ GD&ĐT nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận gồm thí sinh, giáo viên và phụ huynh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tiếp tục phân cấp mạnh, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tại tỉnh, TP mình.

Bộ GD&ĐT vẫn sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT. Do đó, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm học này thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, giáo viên và phụ huynh. Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Khi nào ‘chốt’ phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025?Khi nào ‘chốt’ phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025?

SKĐS - Chỉ còn hơn 1 năm nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ diễn ra nhưng hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa công bố phương án thi chính thức và bộ đề thi minh họa để học sinh, giáo viên nắm bắt được cách thức ôn tập và thi cử.


ĐV
Ý kiến của bạn