Việc đóng cửa được thực hiện giữa lúc những lo ngại về tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân lại xuất hiện, trong khi các công nhân vẫn đang vất vả kiểm soát tình trạng rò rỉ nước nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima Daiichi.
Kể từ tháng 7/2012, chỉ còn 2 trong số 50 lò phản ứng của Nhật còn phát điện. Lò phản ứng số 3 đã bị đóng cửa hồi đầu tháng này trước khi lò số 4 bị dừng vào hôm nay (15/9). Việc đóng cửa để bảo dưỡng được thực hiện cứ 13 tháng một lần. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 3/2011, không có lò phản ứng điện hạt nhân nào của Nhật hoạt động.
Sau sự cố vừa qua, các lò phản ứng nay phải tuân thủ những tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn. Hiện chưa rõ đến khi nào các lò phản ứng mới được tái khởi động. Dù vậy chính phủ Nhật vẫn muốn tái khởi động các lò phản ứng nhằm tránh chi phí phát điện cao ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Trước sự cố Fukushima, điện hạt nhân đóng góp 1/3 sản lượng điện của Nhật. Kể từ đó đến nay, nguồn cấp điện chủ yếu của nước này dựa vào các nhà máy nhiệt điện. Nhưng giá nhập khẩu nhiên liệu tăng cao đã buộc nhiều công ty phải tăng giá điện, khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó.
Trong quý 2 vừa qua, kinh tế Nhật đã tăng trưởng, nhưng việc tiền điện gia tăng có thể khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm, ảnh hưởng bất lợi tới tiêu dùng, đặc biệt khi lương vẫn chưa tăng đáng kể.
Để khắc phục sự cố rò rỉ nước nhiễm xạ tại Fukushima, chính phủ Nhật đã dự tính chi tới 47 tỷ Yên, tương đương 470 triệu USD. Trước đó Tokyo cũng đã chi tới 1000 tỷ Yên để cấp vốn cho công ty điện lực Tokyo.
Theo Dân trí/Wall Street Journal