Lo nhất điều kiện cho lớp trẻ học xẩm

08-04-2013 14:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

Dịp Giỗ tổ nghề xẩm 22/2 âm lịch vừa qua, nhiều tâm sự, kỳ vọng xung quanh sự phục hồi, phát huy nghệ thuật hát xẩm lại được chia sẻ. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Thao Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Dịp Giỗ tổ nghề xẩm 22/2 âm lịch vừa qua, nhiều tâm sự, kỳ vọng xung quanh sự phục hồi, phát huy nghệ thuật hát xẩm lại được chia sẻ. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Thao Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Lo nhất điều kiện cho lớp trẻ học xẩm 1
Nhạc sĩ Thao Giang.

Nhân ngày Giỗ tổ nghề, các chuyên gia, nghệ sĩ đã cùng tưởng niệm nghệ nhân NSƯT Hà Thị Cầu. Sự ra đi của cụ khiến nhiều người thương cảm, tiếc nuối...

Tiếc nhất là phương pháp thanh nhạc của cụ, chúng ta chưa đúc kết được. Và làm sao để hát ra dòng xẩm làng quê như cụ cũng vậy, muốn làm cho được, phải rất công phu, phải hỏi từng chút một. Chúng tôi đang làm dở cái đó thì cụ ra đi.

Các nhà nghiên cứu đánh giá cao các cụ nghệ nhân, còn các nhà quản lý thì sao?

Hơi thờ ơ! Có thể người ta nói, đánh giá tài năng của các cụ thì có nhưng quan tâm thực sự để khai thác mà truyền bá cho lớp trẻ thì còn thiếu sót. Từ trường hợp nghệ nhân NSƯT Hà Thị Cầu, tôi cho rằng phải rút kinh nghiệm trong ứng xử, đãi ngộ với các nghệ nhân khác.

Trước hết, phải săn sóc sức khỏe cho các cụ. Phải tổng kết những gì các cụ đã tích lũy bao năm. Giờ các cụ đã hơn 70 - 80 rồi, phải ghi chép một cách hệ thống rồi tìm ra trong đó những gì hay để lưu truyền lại, từ văn học, âm nhạc, nhạc khí đến môi trường diễn xướng... Rồi phải phân loại, đúc kết thành giáo trình, giáo án cho đời sau.

Công tác đào tạo, truyền dạy của trung tâm đã đến đâu thưa ông?

Những năm qua, chúng tôi triển khai hai hệ thống: Cho công chúng và cho các nhà nghiên cứu trẻ. Về công chúng thì từ việc biểu diễn hàng tuần phục vụ đông đảo người nghe, xem ở phố cổ, đã có hàng trăm em đến đăng ký học. Nhạc sĩ Thao Giang: Bất kỳ loại hình gì, sản phẩm gì đưa được vào đời sống nhân dân mới là sống đích thực. Phải làm sao để nhiều người, nhiều nơi được nghe nữa. Thời gian qua, chúng tôi đã đi một số tỉnh quanh Hà Nội, tương lai sẽ đến với sinh viên trong Nam. Công tác giảng dạy trong chương trình phối hợp với Học viện Âm nhạc Huế đạt được những kết quả tốt với các sinh viên học tập có chất lượng. Thực sự, muốn bảo tồn duy trì, phát triển để xẩm có sức sống thì phải đào tạo, nhưng phải sáng tạo chứ không chỉ dùng mãi của các cụ được. Trong sáng tạo phải làm sao để vẫn còn dáng nét của các nghệ nhân như cụ Hà Thị Cầu, ông Trùm Nguyên, ông Thân Đức Chinh, cụ Vũ Đức Sắc, cụ Chánh Trương Mậu... chứ không thể nào sáng tạo ra cái mà người ta không biết là gì. Cần đào tạo bài bản, chính quy để có các nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục phục hồi, phát triển xẩm. Nhưng công tác này còn chưa được quan tâm xứng đáng.

Lo nhất điều kiện cho lớp trẻ học xẩm 2
Biểu diễn xẩm tại đình Hào Nam trong ngày Giỗ tổ  đã có đông khán giả đến xem và cổ vũ.

Đã có một số chuyên gia, nghệ sĩ “gồng gánh” xẩm, đã có nhiều khán giả đến với xẩm cùng nhiều dự định cho xẩm. Ông nhìn nhận thực tế này thế nào?

Tin tưởng vào lớp trẻ sẽ tiếp nối sự nghiệp khôi phục xẩm. Họ mà quay lưng thì có hô hào mấy cũng chẳng làm gì được! Nhưng cái lo lớn nhất của tôi hiện nay là điều kiện cho các em học tập. Nếu không có gì hỗ trợ lớp trẻ thì dần dần cũng khó tránh khỏi nản lòng. Chúng tôi cũng đã làm việc với một số công ty, họ đã hỗ trợ học bổng bước đầu. Hy vọng chúng tôi sẽ không phụ lòng họ!

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Hoàng Thi (thực hiện)



Ý kiến của bạn