Hà Nội

Lo ngại về ổn định và an ninh trên biển Đông: Cộng đồng quốc tế lên tiếng

02-09-2019 06:19 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trước những diễn biến gần đây trên biển Đông liên quan đến hành động tái xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Trung Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sự lo ngại về những bất ổn, ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định trên biển Đông.

Nhiều nước lo ngại tình hình biển Đông

Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 thành viên đã ra tuyên bố về biển Đông. Theo đó, Người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU cho rằng: “Các hành động đơn phương trong mấy tuần qua ở biển Đông đã dẫn tới hậu quả làm gia tăng căng thẳng, xói mòn môi trường an ninh hàng hải, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế một cách hòa bình của khu vực”.

Không dừng lại ở đó, mới đây, 3 nước châu Âu, đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi rất lo ngại tình hình biển Đông có thể dẫn đến bất ổn, mất an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia ven biển Đông thực hiện các bước và biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn trong khu vực, bao gồm chú ý quyền của những quốc gia ven biển trong vùng biển của họ và quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông...”. Tuyên  bố còn  nhấn mạnh tính pháp lý: “Công ước phải được thực hiện, tạo cơ sở cho hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải”. Anh, Pháp và Đức hoan nghênh những cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được bộ quy tắc ứng xử phù hợp với UNCLOS ở biển Đông, khuyến khích các bên sớm đạt thỏa thuận.

Trong khi đó, một quốc gia ở châu Á là Ấn Độ cũng tuyên bố với thế giới, ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. “Sự khác biệt phải được giải quyết một cách hòa bình bằng cách tôn trọng quy trình pháp lý và ngoại giao, không thể dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) TS. Aladdin D. Rillo khẳng định, các nước ASEAN hiểu rõ những thách thức đang xảy ra trên thế giới và các tác động của chúng, trong đó có vấn đề biển Đông. Ông nhấn mạnh, ASEAN coi việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông rất quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh trong khu vực.

Tàu khảo sát HD08 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tàu khảo sát HD08 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Kiên trì lập trường giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế

Trước hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Bên cạnh đó, trên bình diện ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng  đã khẳng định, Việt Nam luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bà Lê Thị Thu Hằng chỉ rõ: “Nhóm tàu Trung Quốc đã trở lại xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Để khẳng định những tuyên bố của mình, bà Hằng cho biết, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,

Việc người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, vùng biển mà tàu Trung Quốc hoạt động thuộc chủ quyền của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất  là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Những tiếng nói đóng góp của EU, các nước Anh, Pháp, Đức hay ASEAN sẽ góp phần làm cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về diễn biến trên biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và có những hành xử đúng đắn trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế.


Trần Hải
Ý kiến của bạn