Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia hàng đầu về sử học, người dân và dư luận đều băn khoăn, lo lắng cho số phận của môn lịch sử trước đề án tích hợp môn Lịch sử, Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng vào thành một môn học có tên gọi mới Công dân với Tổ quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố... Vấn đề trên một lần nữa lại tiếp tục nóng lên tại “Hội thảo khoa học về môn sử trong giáo dục phổ thông” vừa được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Với hàng chục bản tham luận tham gia góp ý kiến đã cho thấy vấn đề này đang được xã hội, dư luận và các nhà nghiên cứu rất quan tâm. Trước vấn đề tích hợp môn Lịch sử, Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng vào thành một môn học, theo các nhà nghiên cứu, với chương trình này môn lịch sử không còn là một môn học độc lập, bắt buộc mà đã trở thành nội dung tích hợp trong môn học Công dân và Tổ quốc và cũng chỉ là môn học tự chọn khi đi thi. Nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu sử học, giảng viên dạy lịch sử lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải coi Lịch sử là môn học bắt buộc và môn độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông. Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, một ít kiến thức môn Lịch sử đã bị cắt nhỏ ra rồi kết hợp vào một số môn học khác thì Lịch sử không còn vị thế của môn học với tính toàn bộ và với hiệu quả giáo dục toàn diện của nó. Giáo sư Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng môn Lịch sử có số phận rất long đong khi bị coi nhẹ ở phổ thông, và nay khi được tích hợp thành môn Công dân với Tổ quốc thì số phận môn Sử dường như đã được khai tử... Bàn về vấn đề tích hợp ba môn: Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh và Giáo dục công dân thành môn Công dân với Tổ quốc, không ít ý kiến cho rằng đây là việc làm thiếu cơ sở khoa học, không khả thi và chưa từng có tiền lệ bởi ba môn học có đối tượng, mục tiêu nội dung, phương pháp giảng dạy khác nhau, nếu lắp ghép môn Sử như một phần môn trong môn Công dân với Tổ quốc thì đây là việc làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới.
Không ít các nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử cho rằng việc lắp ghép môn học như cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phá vỡ môn Lịch sử. Học sinh sẽ không nhận thức được tính hệ thống, liên tục của dòng chảy lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc. Việc lắp ghép Lịch sử vào các môn học khác là sự lắp ghép những kiến thức rời rạc, góp phần phủ nhận trực tiếp vai trò của môn học này nói riêng và giáo dục lịch sử nói chung.
Ngọc Trường