Lo ngại ngộ độc thực phẩm trong trường học

10-10-2018 13:11 | Tin nóng y tế

SKĐS - Năm học mới vừa bắt đầu, tuy nhiên, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học khiến phụ huynh lo ngay ngáy về bữa ăn của con ở trường. Vừa qua đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường tiểu học khiến hơn 500 trẻ phải nhập viện trong tình trạng buồn nôn, sốt nhẹ, đau bụng, đi ngoài. Thực trạng này khiến rất nhiều phụ huynh - những người có con học bán trú, ăn trưa và chiều tại trường - hết sức lo lắng cho sự an toàn và sức khỏe của con em mình.

Hàng trăm trẻ ngộ độc sau bữa ăn ở trường học

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, 15g ngày 5/10/2018, tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP. Ninh Bình) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 352 trẻ mắc/926 học sinh (mắc chủ yếu lớp 1 và lớp 2) với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn nghi do độc tố vi khuẩn. Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục ATTP đã cử đoàn công tác do TS. Cao Văn Trung - Phó trưởng Phòng giám sát Ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền Thông làm trưởng đoàn đi Ninh Bình hỗ trợ điều tra ngộ độc thực phẩm.

Qua điều tra tìm hiểu nguyên nhân được biết, bữa ăn trưa 5/10/2018 do bếp ăn tự nấu của nhà trường thực hiện, có hơn 900 học sinh của trường ăn bữa trưa bán trú với các món tôm chiên, ruốc gà, canh xương gà nấu với cà chua. Sau bữa ăn, các học sinh bắt đầu có dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa, đến khoảng 15h30 chiều cùng ngày, hơn 100 em học sinh đã phải nhập viện, số học sinh nhập viện tăng cao, đến cuối giờ chiều là 352 em. Các học sinh nhanh chóng được đưa đến BV Sản nhi Ninh Bình cấp cứu, số khác được đưa đến Trung tâm Y tế dự phòng TP. Ninh Bình, Quân y viện 5, BVĐK TP. Ninh Bình.

Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Ninh Bình đã lấy mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, tạm thời đình chỉ hoạt động bếp ăn của nhà trường. Theo thông tin ban đầu, nghi vấn ruốc thịt gà do nhà trường tự chế biến bị nhiễm khuẩn.

Liên quan đến vụ ngộ độc này, ngày 8/10, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ cung cấp thịt gà cho Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng - nơi hàng trăm học sinh bị ngộ độc do ruốc gà, chủ cơ sở này không xuất trình được giấy tờ thủ tục liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã tiến hành lập biên bản, niêm phong toàn bộ số gà trên và tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Trước đó, sáng 3/10, tại Trường tiểu học Bán trú Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà

Giang) cũng đã có hơn 170 em học sinh bị đau bụng, buồn nôn, đi ngoài... và phải đưa đi bệnh viện sau khi ăn bữa sáng do nhà trường tổ chức. Bữa ăn sáng gồm có xôi và thịt băm. Ông Nguyễn Như Chưởng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang cho biết: Ngành chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm về xét nghiệm nhằm làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, có khả năng nguyên nhân gây ngộ độc là do thịt lợn làm thịt băm hoặc ruốc bị nhiễm khuẩn do để ôi thiu.

Các bé bị ngộ độc chủ yếu học lớp 1 và 2, đã được chuyển đến các cơ sở y tế trên địa bàn TP Ninh Bình để xử trí, chăm sóc và theo dõi.

Các bé bị ngộ độc chủ yếu học lớp 1 và 2, đã được chuyển đến các cơ sở y tế trên địa bàn TP Ninh Bình để xử trí, chăm sóc và theo dõi.

Kiểm soát ATTP bếp ăn trường học như thế nào?

Theo TS. Cao Văn Trung, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ độc tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa, các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nên đã gây lo lắng, bức xúc cho nhiều người. “Ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhiều nhất ghi nhận vào tháng 3 và tháng 10. Vào tháng 3, tháng 10, điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm vào mùa xuân, mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, do vậy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao hơn so với thời điểm khác trong năm”, ông Trung cho biết.

Ngoài ra, nguyên nhân để xảy ra ngộ độc trong trường học thường là do khó kiểm soát thực phẩm đầu vào tại các trường học; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...). Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương, ban giám hiệu tại các trường học chưa sâu sát quan tâm vấn đề ATTP, không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, an toàn bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học đã sớm được cảnh báo và có những chế tài nhằm kiểm soát chất lượng. Cụ thể như năm 2008, Bộ GD &ĐT và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong các cơ sở giáo dục.

Ông Phong cho biết, để hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc tại bếp ăn tập thể, trong đó có các trường học cần nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể như yêu cầu hiệu trưởng hoặc người chịu trách nhiệm bếp ăn phải có cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh; làm việc và có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong công tác giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Ngoài ra, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo đối với các trường học, đề nghị các trường thành lập ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này; nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng; bếp ăn của các trường có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đối với các nguyên liệu chế biến bữa ăn trong trường.

Các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành thanh, kiểm tra thực tế quá trình chế biến, hồ sơ ghi chép, nguyên liệu thực tế, chế độ lưu mẫu thực phẩm trong từng bữa ăn, qua đó đảm bảo khi có vấn đề xảy ra có thể tìm ra nguyên nhân từ kiểm định mẫu lưu.

Theo ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng công tác thanh tra Cục ATTP cho biết, những trường học có hàng ngàn học sinh, mỗi ngày cung cấp vài ngàn suất ăn trưa (chưa tính bữa phụ) thì dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm kể cả cấp tính và mạn tính (trường hợp thực phẩm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật). “Do đó, chúng tôi đang tiếp nhận thông tin 24/24 giờ hằng ngày tại các đường dây nóng số 0243.2321556 và 0911811556. Phụ huynh có thông tin thực phẩm bẩn, hãy gọi cho chúng tôi. Cục sẽ thanh tra đột xuất ngay và có thể sẽ đến trực tiếp tại trường để kiểm tra mà không thông qua địa phương”, ông Trần Văn Châu nói.


Minh Mai
Ý kiến của bạn