Trong 1 tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng rất nhanh. Từ ngày 25/11 đến ngày 2/12, Hà Nội ghi nhận tới gần 2.300 ca mắc mới, cao điểm ngày 2/12, Hà Nội lần đầu ghi nhận ca mắc trong 24 giờ vượt mốc 500.
Tuần qua, trung bình mỗi ngày Thủ đô có thêm hơn 320 ca bệnh, 40% trong tổng ca mắc là ca cộng đồng. Chưa kể, trong các ca cộng đồng, tỷ lệ ca mắc thứ phát chiếm tới 70%.
Điều đáng lo ngại nữa là trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng phức tạp, bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây, liên quan nhiều đơn vị và nhiều sự kiện tập trung đông người… Chưa kể, khi vào những tháng cuối năm, các hoạt động giao thương kinh tế - xã hội, nhu cầu di chuyển của người dân vào thành phố Hà Nội nhiều hơn, số ca nhiễm dự báo tiếp tục tăng nhanh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng khi thành phố chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì số mắc tăng lên là "khó tránh khỏi", điều này nằm trong dự liệu của chính quyền.
Thành phố đã xây dựng kịch bản tình huống có 100.000 ca mắc. Ý thức phòng dịch không chủ quan của người dân và sự quyết liệt của chính quyền địa phương là yếu tố rất quan trọng.
Theo một báo cáo của Hà Nội, trong các ca mắc ghi nhận tuần cuối tháng 11, 62% người đã tiêm vaccine đủ 2 mũi, hơn 9% bệnh nhân đã tiêm 1 mũi vaccine.
Theo chính quyền Hà Nội, số ca bệnh nặng ở tầng 3 (cơ sở y tế điều trị các ca nặng, nguy kịch) chỉ chiếm dưới 0,8%. Điều này cho thấy hiệu quả đáng kể của vaccine đối với việc hạn chế khả năng tăng nặng, tử vong của bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, khi số ca bệnh tăng nhanh, các cơ sở y tế ở Thủ đô sẽ đối mặt với thách thức lớn. Chính quyền Thủ đô đã phân các tầng điều trị đối với F0, trong đó tầng một là tuyến y tế cơ sở (trạm y tế lưu động) và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.
Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, các địa phương ở Thủ đô triển khai ngay cơ sở điều trị F0 thể nhẹ theo mô hình Trạm Y tế lưu động, đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh.
Hiện toàn thành phố có 579 đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn. Như vậy tổng số giường bệnh các đơn vị chuẩn bị là hơn 86.000.
Triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại các cơ sở lưu trú và cách ly F1 tại nhà.
Ngày 1/12, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5525 kèm hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị. Đây là căn cứ quan trọng để các địa phương nói chung và Hà Nội nói riêng thống nhất cách triển khai.
Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 (đảm bảo các điều kiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế), Chủ tịch Hà Nội yêu cầu ngành Y tế Thủ đô hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà; xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5/12 (thứ Bảy tuần này).
Các quận, huyện, thị xã đăng công khai thông tin về phương án cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà; danh mục thuốc điều trị, phương pháp theo dõi sức khỏe; phương án khi cần chuyển điều trị tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện.
Việc triển khai cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà không phải lạ, hình thức này đã được nhiều địa phương tại cả 3 miền Nam - Trung - Bắc triển khai, cho thấy hiệu quả cao. Lãnh đạo y tế Hà Nội cho rằng thành phố đã chuẩn bị kịch bản cho vấn đề này từ sớm nhưng do việc áp dụng phải phụ thuộc diễn biến dịch, nên lúc này, Hà Nội áp dụng điều trị F0 tại nhà là thời điểm phù hợp.
Để ứng phó dịch trong tình hình mới, một số quận, huyện ở Hà Nội đề nghị các phường, xã rà soát các y, bác sĩ, dược sĩ đã nghỉ hưu, có sức khoẻ để vận động tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, y, bác sĩ ngoài công lập rà soát vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đăng ký hỗ trợ địa phương sở tại chống dịch.
Tiếp tục kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 12-14 tuổi
Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, các địa phương cần tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em theo lộ trình hạ dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ 12-14 tuổi. Tích cực tổ chức tiêm lưu động, đặc biệt để tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, có bệnh nền), khó di chuyển...