Biến thể mới gây lo ngại cho các nước EU
Mới đây, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cảnh báo biến thể Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ sẽ chiếm70% các ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu vào đầu tháng 8 và tăng lên 90% vào cuối tháng 8.
"Rất có thể biến thể Delta sẽ lưu hành rộng rãi trong mùa hè, đặc biệt là ở những người trẻ không được tiêm vắc xin", ECDC cho biết. Tuy nhiên cơ quan này cũng trấn an người dân rằng hai liều vắc xin COVID-19 có thể cung cấp "khả năng bảo vệ cao" chống lại biến thể này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lo ngại về sự lan rộng của biến thể Delta, bà nói rằng đó chỉ còn là “vấn đề thời gian” trước khi nó trở nên thống trị ở châu Âu.
“Điều quan trọng là phải tiếp tục tiêm phòng càng nhanh càng tốt - đó là một cuộc chạy đua với thời gian để đối phó với biến thể Delta này.” Hiện nay, khoảng 33,9% người trưởng thành ở châu Âu đã được tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19, 57,1% người tiêm ít nhất một liều.
Tiêm vắc xin đủ 2 liều có hiệu quả chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Vừa chống lại diễn biến mới của dịch bệnh, mặt khác các quốc gia EU cũng đang tìm mọi cách khôi phục nền kinh tế vốn đã suy kiệt sau thời gian dài bị tác động bởi dịch bệnh.
Bước đi đầu tiên mà EU muốn hướng tới là mở cửa đi lại giữa các quốc gia. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà muốn thấy một sự phối hợp tốt hơn về các quy tắc đi lại giữa 27 quốc gia thành viên trong bối cảnh đại dịch.
Vào ngày 1/7 tới đây, chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của châu Âu, chứng nhận một người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hay đã từng mắc căn bệnh này, sẽ có hiệu lực.
Ngưởi sở hữu chứng chỉ này sẽ được đi lại trong EU mà không cần phải cách ly hay tiến hành thêm xét nghiệm. Mặc dù EU đã có các hướng dẫn đi lại chung, nhưng mỗi quốc gia sẽ quyết định cách thức kiểm soát biên giới của mình. Những quốc gia khác nhau lại có quy tắc đi lại khác nhau.
Một trong những điểm khác biệt nổi bật là cách các quốc gia quy định đi lại với du khách đến từ Vương quốc Anh như Đức và Áo có các hạn chế đi lại và kiểm dịch đối với những người đến từ Anh trong khi Tây Ban Nha không có hạn chế nào đối với khách du lịch người Anh.
Kế hoạch phục hồi kinh tế đầy tham vọng của EU có trở thành hiện thực?
Một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh EU lần này là vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tiến trình này nằm bao gồm kế hoạch Next Generation EU (Thế hệ tiếp theo của EU).
Gói phục hồi của EU trị giá 750 tỷ euro (895 tỷ USD) đã được Hội đồng châu Âu thông qua để hỗ trợ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Dự kiến khoản tài chính này sẽ được EU phân phối trong 6 năm tới.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có chuyến công du một vài nước châu Âu để bàn thảo về các khoản hỗ trợ này như Đức sẽ nhận được 25,6 tỷ euro, Italia sẽ nhận được gần 200 tỷ euro, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan cũng sẽ nhận được những khoản tiền lên tới hàng tỷ euro để vực dậy nền kinh tế. Có quốc gia chỉ nhận được khoảng 100 trăm triệu euro như Luxembourg.
Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cho rằng, đây là chương trình đầu tư lớn nhất ở châu Âu. “Đây là động thái đặc biệt của EU trước một cuộc khủng hoảng” khiến cho nền kinh tế hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên các quốc gia ngoài việc phải đệ trình một kế hoạch chi tiết, cụ thể phục hồi kinh tế, các thành viên EU còn phải cam kết sẽ đầu tư vào các lĩnh vực hướng đến bảo vệ môi trường, khí hậu, thúc đẩy số hóa nền kinh tế, xã hội ở châu Âu.
Đặc biệt trong đó có thúc dẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ủy ban mong muốn các trường học, trường đại học nhận được thiết bị giảng dạy tốt hơn, các chương trình đào tạo nghề, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giao thông công cộng ... Ủy ban châu Âu hy vọng, các nước thành viên EU phải cho thấy các khoản đầu tư của họ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung.