Cứ đến mùa hè là tôi lại hay bị lở miệng, rất đau đớn và bất tiện trong ăn uống, sinh hoạt, có phải do tôi có sở thích ăn dứa và mít?
Nguyễn Thị Thanh (Ngân Sơn - Bắc Kạn)
Nhiều người cho rằng, tình trạng lở miệng xuất hiện là do nóng trong người, hoặc do ăn các thực phẩm tính nóng như mít, xoài, dứa...
Tuy nhiên, theo quan điểm của y học hiện đại, chứng lở miệng do nhiều nguyên nhân gây nên, có thể là vi khuẩn, virut, hay do sự phản ứng của khoang miệng với thành phần hóa học nào đó trong kem đánh răng. Chế độ ăn thiếu axit folic ở phụ nữ mang thai cũng có thể gây lở miệng. Ở những người bị stress nặng và liên tục, tần suất lở miệng cũng cao hơn.
Lở miệng là bệnh lành tính, đường kính vết loét có thể từ vài mm đến 1 cm, khỏi sau 1 - 2 tuần và không để lại sẹo.
Để ngăn ngừa chứng lở miệng, nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Những người bị lở miệng tái phát quá nhiều và khó lành cần đi khám để phát hiện và điều trị từ các bệnh nguyên nhân, chẳng hạn như luput ban đỏ hệ thống.
Bác sĩ Bạch Long