Hà Nội

Lở loét vùng kín, người đàn ông phát hiện mắc giang mai và HIV

30-10-2023 09:03 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Bệnh nhân mắc giang mai có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV. Đặc biệt, tỉ lệ này cao hơn ở quần thể người có quan hệ đồng giới.

Bé trai 3 tháng tuổi lây giang mai từ mẹBé trai 3 tháng tuổi lây giang mai từ mẹ

SKĐS - Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc giang mai bẩm sinh sớm và là trường hợp bệnh được truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

Bệnh nhân nam, 44 tuổi, khởi phát bệnh trước khi đi khám bệnh 2 tuần với biểu hiện sẩn đỏ vùng dương vật. Sau đó, tổn thương tiến triển thành vết loét dần lan rộng. Bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu Trung ương.

Các bác sĩ hỏi bệnh và thăm khám thấy tổn thương loét rộng vùng quy đầu dương vật, bờ vết loét nham nhở, nền vết loét cứng, ngứa ít. Ngoài ra, bệnh nhân có tổn thương sẩn sùi ở hậu môn. Một số sẩn cục rải rác hai cẳng chân, mông, ngứa nhiều đã có nhiều tháng trước đây.

Trước bệnh nhân có những biểu hiện như vậy, các bác sĩ đặt ra các chẩn đoán bệnh có thể gây ra tổn thương ở vùng sinh dục ở bệnh nhân này là bệnh lây truyền qua đường tình dục (giang mai, hạ cam, herpes simplex sinh dục); chấn thương hoặc dị ứng thuốc.

Khai thác tiền sử, bác sĩ không ghi nhận thấy bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc có khả năng gây dị ứng trước khi xuất hiện tổn thương và cũng không có yếu tố gây loét sinh dục do chấn thương. Trước thời điểm xuất hiện tổn thương sinh dục 4 tháng, bệnh nhân có tiền sử quan hệ tình dục ngoài luồng với đối tượng nguy cơ cao. Đặc biệt, bệnh nhân có bạn tình ở cả hai giới nam và nữ.

Bệnh nhân được làm xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai, HIV và xét nghiệm tế bào học dịch tổn thương tại vết loét. Kết quả xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu và ko đặc hiệu giang mai đều dương tính. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh ở bệnh nhân này là giang mai thời kỳ I hay giang mai sơ phát. Ngoài ra, xét nghiệm test nhanh HIV của bệnh nhân dương tính, bác sĩ đã tiến hành làm xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm HIV của bệnh nhân.

Bệnh nhân được điều trị giang mai tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và gửi khám chuyên khoa truyền nhiễm để điều trị HIV.

Các bác sĩ cũng tư vấn cho bệnh nhân hiểu về nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình và khuyên bệnh nhân thuyết phục các bạn tình của mình đến để làm xét nghiệm kiểm tra sàng lọc bệnh giang mai và HIV.

Lở loét vùng kín, người đàn ông phát hiện mắc giang mai và HIV - Ảnh 2.

Bệnh nhân mắc giang mai có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV.

Giang mai và HIV - 'Người bạn' đồng hành

Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai gây nên. Tỉ lệ mắc giang mai trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng ngày càng tăng. Tình trạng này có liên quan đến sự gia tăng quần thể quan hệ tình dục đồng giới và xu hướng quan hệ sớm, không an toàn ở thanh thiếu niên.

Bệnh giang mai có biểu hiện đa dạng, phức tạp, không chỉ ở da, niêm mạc mà còn có thể ở các cơ quan khác như tai, mắt, cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh. Các triệu chứng có thể tiến triển, thay đổi trên cùng một bệnh nhân, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, giang mai còn được mệnh danh là “kẻ trá hình hoàn hảo”.

Ngoài ra, có những trường hợp giang mai “kín”, bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện lâm sàng gì cho đến khi được làm xét nghiệm kiểm tra. Vì vậy, những người có tiền sử tiếp xúc, quan hệ tình dục không an toàn hoặc có những biểu hiện nghi ngờ bệnh lây truyền qua đường tình dục nên đi khám bác sỹ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến loét vùng sinh dục, bệnh nhân cần được thăm khám kỹ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Việc tự dùng thuốc bôi, thuốc uống khi chưa biết nguyên nhân có thể làm thay đổi triệu chứng ban đầu, làm sai lệch kết quả xét nghiệm dẫn đến trì hoãn trong việc chẩn đoán và điều trị đúng.

Bệnh nhân mắc giang mai có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV. Đặc biệt, tỉ lệ này cao hơn ở quần thể người có quan hệ đồng giới.

Bạn tình hiện tại và trong vòng 1 năm của người mắc giang mai cần được đi khám, làm xét nghiệm giang mai và điều trị bệnh nếu có. Nếu bạn tình không được chẩn đoán và điều trị, bệnh nhân hoàn toàn có nguy cơ bị nhiễm lại khi có tiếp xúc tình dục lại, và đây cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn lây lan trong cộng đồng.

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con có mắc bệnh không?Phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con có mắc bệnh không?

SKĐS - Rất nhiều người thắc mắc nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV thì khi sinh con ra liệu có mắc bệnh?


TS.BS Nguyễn Thị Hà Vinh
Bệnh viện Da liễu Trung ương
Ý kiến của bạn