Về mặt tích cực thì lo lắng, căng thẳng là một phần tất yếu của cuộc sống, nó giúp cho xã hội loài người tiến hóa, ứng phó với những khó khăn, thách thức... Nhưng với một số cá nhân, căng thẳng khiến họ bị ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày như lo lắng quá mức, rất khó thư giãn, đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, khó vào giấc ngủ, dễ mệt khi phải tập trung chú ý, dễ cáu, dễ khóc...
Những triệu chứng trên thường kéo dài vài ngày rồi tự hết, chúng ta sẽ không cần bận tâm nhiều. Lúc đó, chỉ cần tập thở sâu và chậm khoảng chục lần là bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng nếu các triệu chứng trên kéo dài nhiều tuần sẽ trở thành vấn đề thực sự đối với sức khỏe. Đó có thể là các triệu chứng của rối loạn trầm cảm, lo âu lan tỏa mà khởi đầu bằng những lo lắng, căng thẳng (yếu tố thuận lợi cho khởi phát).
Đối với những trường hợp phải dùng đến thuốc để ứng phó với những lo âu, căng thẳng, có thể dùng một số loại thuốc sau theo chỉ định của bác sĩ.
Bromazepam là thuốc giảm lo âu, căng thẳng rất tốt, tác dụng xuất hiện nhanh ngay cả khi dùng liều thấp. Dùng liều thấp thì bệnh nhân hạn chế được nguy cơ bị phụ thuộc vào thuốc. Thuốc này được hấp thụ nhanh, có tác dụng giảm lo âu, căng thẳng, bồn chồn, đánh trống ngực... của bệnh nhân; hầu như không tương tác với các nhóm thuốc khác như kháng sinh, thuốc chữa đau dạ dày, thuốc chống trầm cảm. Thuốc không độc với gan, thận, cơ tim, hệ tiết niệu, sinh dục. Thuốc thường được kê đơn điều trị ngoại trú. Không nên dùng thuốc quá 3 ngày.
Clonazepam là thuốc chống lo âu mạnh nhất hiện nay. Thuốc có tác dụng khá dài nên mỗi ngày có thể chỉ cần dùng 1 lần là đủ. Tuy nhiên, thuốc khó mua và đắt tiền. Các bác sĩ thường khuyên dùng buổi tối, nhưng cũng có thể uống ban ngày. Cũng như bromazepam, không nên dùng thuốc quá 3 ngày liên tục. Do có tác dụng giảm lo âu rất nhanh và mạnh nên thuốc có tác dụng gây ngủ tốt ở những bệnh nhân lo âu, căng thẳng. Thuốc có thể làm tăng hiệu quả của thuốc ngủ, thuốc an thần, nhưng hầu như không tương tác với các thuốc khác.
Alprazolam cũng là một thuốc chống lo âu thuộc hàng “cao cấp” vì hiệu quả cao, nhanh, ngay ở liều rất thấp. Cũng như 2 loại thuốc trên, không nên uống quá 3 ngày. Đây là một thuốc chữa ám ảnh, cưỡng bức và cắt cơn hoảng sợ kịch phát. Có thể dùng thuốc này đơn độc, nhưng thường phối hợp với các thuốc chống trầm cảm để điều trị ám ảnh.
Etifoxine chlorhydrate (stresam) là loại thuốc chống lo âu được ưa dùng vì ít nguy cơ gây phụ thuộc thuốc so với các loại thuốc trên. Có thể dùng kéo dài vài tuần nếu cần. So với 3 thuốc nêu trên, tác dụng chống lo âu không mạnh, nên chỉ áp dụng cho lo âu lan tỏa, lo âu do bệnh cơ thể và thích hợp cho điều trị ngoại trú. Trong thực tế, etifoxine chlorhydrate thường được phối hợp với các thuốc khác (thuốc chữa viêm loét dạ dày, viêm khớp...) để giảm các triệu chứng lo lắng, mất ngủ, bồn chồn... của bệnh nhân.
Tofisopam (grandaxin) cũng là một lựa chọn tốt để chữa căng thẳng, lo âu. Thuốc này rất khó gây phụ thuộc nên có thể uống lâu dài. So với bromazepam thì tác dụng giải lo âu kém hơn nhiều, nhưng nó thích hợp với các bác sĩ chuyên khoa nội chung và các bệnh nhân điều trị ngoại trú với các triệu chứng cơ thể của lo âu như đầy bụng, đứng ngồi không yên, khó vào giấc ngủ.
Tofisopam đã ra đời khá lâu, nhưng ngày nay nó vẫn được các bác sĩ ưa dùng để phối hợp với các thuốc khác giống etifoxine chlorhydrate nhằm làm giảm các triệu chứng lo lắng, mất ngủ, bồn chồn... của bệnh nhân.
Khi có triệu chứng lo âu, căng thẳng quá mức, người bệnh cần đi khám để được lựa chọn thuốc dùng phù hợp. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc. Ðể tránh bị căng thẳng trong cuộc sống cần có suy nghĩ lạc quan, duy trì lối sống điều độ, không đặt ra những mục tiêu quá xa vời, vượt quá khả năng, luôn tìm sự trợ giúp của những người xung quanh để vượt qua khó khăn...