Hà Nội

Lỗ hổng pháp lý khiến cơn lốc hàng giá rẻ đổ bộ vào Việt Nam

29-10-2024 11:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Quy định hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng là một lỗ hổng để hàng hóa giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam.

Bộ Công Thương đang rà soát sàn thương mại điện tử xuyên biên giới TemuBộ Công Thương đang rà soát sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang rà soát, đánh giá đối với hàng hóa giá thấp tràn vào Việt Nam thông qua các kênh thương mại điện tử để có biện pháp quản lý phù hợp.

Cơn lốc hàng giá rẻ

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới... Đây cũng chính là lý do vì sao Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn thu hút các "ông lớn" thương mại điện tử xuyên biên giới tới đầu tư.

Mới đây nhất, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử giá rẻ từ Trung Quốc, nổi bật là Temu đã gây ra một cơn sốt trên thị trường Việt Nam. Không chỉ thu hút người tiêu dùng bởi giá sản phẩm siêu rẻ, miễn phí giao hàng, chính sách ưu đãi hấp dẫn mà việc giới thiệu sàn thương mại điện tử này cho bạn bè còn kiếm được tiền.

Lỗ hổng pháp lý khiến cơn lốc hàng giá rẻ đổ bộ vào Việt Nam- Ảnh 2.

Cần có rào cản pháp lý tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước khi cơn bão hàng giá rẻ nước ngoài đổ bộ qua các sàn thương mại điện tử.

Theo số liệu của Tổng công ty CP Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, trung bình khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng; hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Công thương cho rằng hoạt động thương mại điện tử  đã bùng nổ mạnh khiến hàng hóa trong nước bị cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, quy định hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng theo Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ là một lỗ hổng để hàng hóa giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam. 

"Cách đây vài tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhắc đến điều này và đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để có thể mở rộng và bao quát nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, các bộ, ngành cần xem xét, triển khai áp dụng các quy định khác trên tinh thần đảm bảo lợi ích của nhà nước, hoạt động sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng như hàng hóa phải an toàn, đảm bảo chất lượng", PGS.TS Ngô Trí Long nói. 

Theo chuyên gia, có nhiều biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất, hàng hóa trong nước, từ hàng rào thuế quan đến các giải pháp kỹ thuật, ví dụ như quy định chống bán phá giá. Nếu hàng hóa tràn vào trong nước bán quá rẻ thì phải điều tra xem có bán dưới giá thành không, gây tổn hại cho doanh nghiệp cùng ngành như thế nào. Hay quản lý thị trường kiểm tra chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc… như thế nào. Cần có chương trình nghiên cứu khẩn trương những biện pháp ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Làm sao để hàng Việt lấn át được hàng giá rẻ?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, trong những năm qua, nhiều mặt hàng "made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, giá thành hợp lý… Do đó, hàng Việt được đông đảo người dân lựa chọn và tin dùng.

Để nâng cao vị thế của hàng Việt, bản thân doanh nghiệp cần phải xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả. Đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa tạo cơ hội cho hàng Việt đến với người tiêu dùng nhiều hơn.

Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai chương trình, đề án phát triển thương hiệu ngành sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Đồng thời, nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho chủ thể liên quan. Phương thức tiêu dùng thay đổi buộc hệ thống bán lẻ cũng phải thay đổi mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Trong chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối là mắt xích rất quan trọng.

Thực tế, trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các đơn vị phân phối, bán lẻ đã tham gia rất tích cực và phát huy hiệu quả rõ nét. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, cần chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử…

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng, việc sửa đổi luật lần này sẽ bổ sung quy định đánh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng các đơn hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng qua thương mại điện tử nhằm bảo đảm tính bình đẳng trong kinh doanh. Bởi thực tế hiện nay, cùng một sản phẩm, giá tiền tương đương dưới 1 triệu đồng hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh thì được miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế giá trị gia tăng, tạo ra cuộc chơi không công bằng với hàng hóa và doanh nghiệp nội địa.

Quy định chặt để kiểm soát chất lượng thuốc mua bán qua thương mại điện tửQuy định chặt để kiểm soát chất lượng thuốc mua bán qua thương mại điện tử

SKĐS - Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về những ý kiến còn khác nhau tại dự án luật này.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Béo phì liên quan trực tiếp tới các bệnh ung thư nào? | SKĐS #Shorts


Tô Hội
Ý kiến của bạn